Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới. Theo đó, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong bối cảnh mới đặt ra nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ em tìm hiểu những kiến thức phục vụ học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức, nhưng đồng thời cũng gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Điều đáng nói là nhiều đối tượng đã lợi dụng và sử dụng không gian mạng để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em; xâm phạm đến tính mạng của trẻ em.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, trong đó có nguyên nhân từ việc trẻ chưa đủ kiến thức để nhận thức hết được mối nguy hại khi tham gia trên môi trường mạng, do đó chưa có cách để phòng, tránh, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật.
Bên cạnh đó, các em chưa được sự quan tâm sát sao của gia đình, nhà trường trong việc trang bị những kiến thức khi tham gia môi trường mạng. Nhiều phụ huynh vẫn đang còn tình trạng phát tán hình ảnh trẻ em lên mạng. Điều này tình cờ biến các em thành "con mồi" cho tội phạm chuyên "săn lùng trẻ em".
Đặc biệt, khi cha mẹ truy cập nội dung tiêu cực, "người lớn", trẻ em cũng tiếp xúc thông tin xấu độc qua quảng cáo hiện trên trang web. Nếu không ngăn chặn kịp thời, các em có thể hình thành suy nghĩ lệch lạc.
Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tổng cộng, Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý những trường hợp này…
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Việt Nam có khoảng 2/3 trẻ em thường xuyên tiếp xúc với Internet, thậm chí tiếp xúc hàng ngày.
Chỉ ra 5 nhóm nguy cơ với trẻ khi tiếp xúc với Internet, theo ông Tuân, khoảng 70 - 80% trẻ em là từ 10 - 15 tuổi chơi game, trong đó có khoảng 10 - 15% là rơi vào tình trạng nghiện game…
Nhấn mạnh tính hai mặt của không gian mạng, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần phải nhấn mạnh những lợi ích “không thể thay thế” được của Internet vì chúng ta đang sống trong một thế giới mà không gian mạng, môi trường mạng là một phần tất yếu của sự sống, của kinh tế xã hội. Cho nên, làm thế nào để chúng ta có các giải pháp phát huy tối đa lợi ích của không gian mạng, của Internet và hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực của nó.
Chia sẻ về nội dung và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung luật pháp, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực về không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách để tăng cường việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Tuy nhiên, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và công nghệ thông tin nói riêng đã gây áp lực cho những người hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. Quá trình không ngừng hoàn thiện pháp luật và chính sách để tạo cho trẻ em môi trường an toàn, không gian an toàn và khuyến khích sự sáng tạo, tương tác đẩy mạnh trên môi trường mạng là một yêu cầu rất là bức thiết và lâu dài.
Theo đó, trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần chú ý 4 quan điểm và cách tiếp cận sau:
Thứ nhất là các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng thì phải có những chế tài ngăn chặn, xử lý tương ứng với những hành vi ở trong đời thực; chú ý việc đánh giá hậu quả của nó tác động đến đối tượng trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần.
Thứ hai là tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng, phòng, chống xâm hại trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường ở trong đời thực như thế nào thì tương ứng như vậy ở trên môi trường mạng.
Thứ ba là phải dùng những chế tài và xử lý đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Hiện nay chúng ta vẫn thiếu căn cứ pháp lý để xử lý và đánh giá hậu quả đối với những hành vi lợi dụng môi trường mạng xâm hại quyền của trẻ em.
Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và thu lợi từ môi trường mạng. Phải chặn, lọc, gỡ những thông tin, hành vi gây hại cho trẻ trên môi trường mạng; họ cũng phải là những người đưa ra giải pháp về mặt kỹ thuật để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.