- Ông Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Ủy ban TDTT) chia sẻ với Góc nhìn thẳng về điều phi thường của Hoàng Xuân Vinh tại Thế Vận hội 2016.

Xem thêm chuyên mục GÓC NHÌN THẲNG

Olympic Rio 2016 đoàn thể thao Việt Nam hôm nay 8/8

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã tạo nên một cơn địa chấn tại Olympic 2016, khi không những giành tấm HCV lịch sử ở môn bắn súng, mà còn lập kỷ lục Thế vận hội. Chỉ cần với tấm huy chương này, có thể khẳng định đoàn TTVN đã có một kỳ Olympic thành công.

Tuy nhiên, liệu chiến tích này có trở thành bước ngoặt để TTVN đi lên, còn ngành thể thao sẽ thay đổi tư duy về chiến lược đầu tư như thế nào với các môn thể thao trọng điểm?

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Nguyễn Hồng Minh – Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Ủy ban TDTT).

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Quyết Thắng: Thưa ông, cần phải nói rằng tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh nằm ngoài tưởng tượng của giới chuyên môn. Cá nhân ông đánh giá thế nào về màn thi đấu bùng nổ của xạ thủ này?

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Có lẽ trước hết tôi mong muốn và chắc chắn tất cả các bạn yêu mến thể thao chúng ta chào mừng thành tích, có thể nói là dấu ấn lịch sử của thể thao Việt Nam, thông qua thành tích thi đấu của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đây là một dấu mốc, một kỳ tích lịch sử, bởi lẽ sau 36 năm TTVN hòa nhập với đấu trường Olympic, và nếu kể lâu hơn nữa từ ngày xạ thủ Trần Oanh lập thành tích thế giới, thì bắn súng Việt Nam có tấm huy chương vinh quang ở mức cao nhất, cụ thể là HCV và phá kỷ lục Thế vận hội.

Chúng ta đều biết đấu trường Olympic vô cùng khó khăn và tất cả các đối thủ của Hoàng Xuân Vinh trong cuộc đấu đều có mặt. Chúng ta được chứng kiến một trận đấu đầy cam go. Phải nói là tôi hết sức thán phục và trân trọng thành tích của Hoàng Xuân Vinh. Thành tích này có ý nghĩa lớn lao cho sự phát triển của môn bắn súng cũng như TTVN. Nó cũng chứng minh những thay đổi quan trọng trong các định hướng phát triển thể thao Olympic Việt Nam.

{keywords}
Hoàng Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam có tấm HCV đầu tiên ở Olympic

Nhà báo Quyết Thắng: Bắn súng là một trong những mũi nhọn, nhưng sự đầu tư dường như lại chưa tương xứng. Rất nhiều VĐV nói rằng họ thậm chí không có đạn để tập. Ông muốn nói gì về vấn đề này?

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Trong lịch sử phát triển TTVN thì với chiều dài suốt từ những năm 1970, 1980 thế kỷ trước cho tới bây giờ, bắn súng luôn luôn là môn thể thao trọng điểm và được sự quan tâm, đầu tư của ngành thể thao. Để tiến tới đấu trường cao nhất là vô địch thế giới hoặc Olympic thì sự đầu tư của TTVN chưa đủ, còn nhiều điều khiếm khuyết và chưa đáp ứng được. Ví dụ như là chúng ta thiếu phương tiện rất cơ bản là đạn. Chúng ta thiếu một nơi tập luyện với đầy đủ điều kiện. Chúng ta không có trường bắn chung kết, không có bia điện tử… Mỗi một ngày một thay đổi, luật thay đổi nên yêu cầu cũng phải thay đổi theo. Sự thay đổi ấy ngày càng hiện đại thì chúng ta không kịp đáp ứng, chưa có đủ các phương tiện và giải để chăm sóc VĐV và nâng cao trình độ cho VĐV như hồi phục, dinh dưỡng…

Chính vì thế, bắn súng phải tìm một con đường đó là tập huấn ở nước ngoài, đặc biệt là ở Hàn Quốc, để lấp đi khoảng trống thiếu đạn. HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung có trao đổi với tôi và cho biết rằng với 200 nghìn USD đầu tư cho đội tuyển bắn súng Việt Nam trong 1 năm mới chỉ bằng với mức dành cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên ở môn bơi lội.

Nói như thế để thấy rằng so với tất cả các nước khác thì các VĐV của chúng ta, đặc biệt là VĐV bắn súng vẫn chưa được chăm sóc đúng mức, đủ điều kiện để đáp ứng được việc nâng lên trình độ cao.

Nhà báo Quyết Thắng: Theo ông, từ tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh, ngành thể thao sẽ thay đổi cách nhìn thế nào về chiến lược đầu tư với các môn trọng điểm?

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Trước Olympic tôi đã trao đổi với báo chí rằng với sự đầu tư như hiện nay cho các VĐV đã là một sự chuyển hướng quan trọng. Tức là sau SEA Games 2011, sau ASIAD 2014 và đặc biệt là sau Olympic 2012, việc định hướng cho các VĐV và các môn chuẩn bị cho thể thao Olympic đã được ngành thể thao quan tâm và quyết tâm. Đã có gần 50 VĐV của 20 môn thể thao chuẩn bị cho Olympic và các sự kiện lớn. Với sự quan tâm của Chính phủ thì mức kinh phí đã được lớn lên. Và, bắn súng cũng được hưởng lợi từ những điều ấy, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại mà tôi đã trao đổi ở trên.

{keywords}
Hoàng Xuân Vinh đã vượt lên trên tất cả để chiến thắng

Tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic là một kỳ tích phi thường. Bởi lẽ trong điều kiện chăm sóc như thế mà VĐV không đạt được kết quả thì mọi người sẽ thấy đó là chuyện bình thường. Nhưng vì đạt được thành tích HCV Olympic thì đó là dấu ấn rất phi thường, đặt dấu ấn rất quan trọng cho TTVN trên đấu trường Thế vận hội.

Quan trọng nhất là nó góp phần làm thay đổi nhận thức trong việc định hướng và đầu tư cho VĐV ưu tú để giành kết quả cao trên đấu trường khắc nghiệt nhất của thế giới.

Nhà báo Quyết Thắng: Đoàn TTVN đã có 1 tấm HCV và đây liệu có phải là thực lực thật sự của chúng ta ở sân chơi Olympic?

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Theo dõi sự phát triển của TTVN nhiều năm qua thì tôi thấy chúng ta đi một con đường dài rất gian khổ. Chính vì vậy việc giành được tấm HCV lần này tôi phải nhắc lại là nó rất phi thường. Dấu mốc này làm cho các nhà quản lý thể thao, nhưng bạn đồng nghiệp của tôi, họ đang đương chức, sẽ tin rằng TTVN còn tiến bộ nữa. Họ sẽ có cách trình báo và tham mưu với Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan để hỗ trợ các VĐV ưu tú của chúng ta tiếp tục cho các sự kiện lớn sau này, như ASIAD 2018 và đặc biệt là Olympic Tokyo 2020, với một điểm sáng và thuận lợi cho TTVN, đó là môn karatedo đã được đưa vào chương trình thi đấu. Ngoài ra, cộng với đó là những môn thể thao khác, cụ thể là 10 môn thể thao chúng ta có đại diện đi. Các VĐV đều là những nhà thể thao xuất sắc, ít nhất họ có nhiều VĐV vô địch SEA Games, trong đó có cả vô địch châu lục và thế giới.

Bây giờ họ chưa lên tới đỉnh cao như đấu kiếm, TDDC, rồi một vài môn nữa, nhưng tôi nghĩ các VĐV trẻ của chúng ta có một điều kiện tốt hơn và được đánh giá cao hơn, để tiếp tục đi theo con đường của mình. Cho nên, ý nghĩa của tấm HCV sau 36 năm hòa nhập trở lại và 50 năm xạ thủ Trần Oanh vô địch thế giới thì đây là một sự kiện rất quan trọng và ý nghĩa.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

VietNamNet

Thực hiện: Quyết Thắng

Clip: Huy Phúc