Đêm “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” do trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức có sự góp mặt của 14 tiết mục vừa diễn ra. Đây là thành quả của phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh” được TS Nguyễn Quang Trung, nguyên Tổ trưởng tổ Xã hội khởi xướng và áp dụng 22 năm nay.

z5279915631154 b09ff337cabf9a65189eacc2aa6c91ef.jpg
Học sinh trong vai diễn Chí Phèo và Thị Nở

Bước lên sân khấu, nhân vật Phăng-tin trong đoạn trích “Tấm lòng người mẹ” (Những người khốn khổ) của nhà văn Victor Hugo khiến khán giả cùng đắm chìm vào tâm trạng u uất, đầy đau khổ của một người mẹ đơn thân. Cô xuất hiện với nét mặt buồn tủi vì vừa bị đuổi việc khỏi xưởng và bị tước đi quyền chăm sóc cho đứa con của mình.

Để có thể nuôi con, cô phải bán đi mái tóc, nhổ hai chiếc răng cửa để có tiền cho con chữa bệnh… Trong tận cùng đau đớn, cuối cùng cô phải chấp nhận làm gái điếm để kiếm tiền. Phăng-tin trên sân khấu, khi dịu dàng, lúc lại như hóa điên dại. Nhưng dù ở tận cùng đau đớn, cô vẫn quyết định đánh đổi: “Nếu có kiếp sau, mẹ vẫn sẽ làm tất cả vì con”.

Vẻ đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng và đức hy sinh cao cả của người mẹ khiến cả hội trường rưng rưng nước mắt vì xúc động.

z5279915565749 d59258ba7045c46127e81143906d8887.jpg
Học sinh diễn đoạn trích “Tấm lòng người mẹ” (Những người khốn khổ) của nhà văn Victor Hugo

Cao Minh Hiền, học sinh lớp 11C, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, xúc động nói việc được nhập thân, sống cuộc đời của nhân vật giúp em thấu hiểu hơn về diễn biến tâm lý, buồn vui với nỗi niềm nhân vật… Đây là những điều rất khó có được nếu chỉ đọc qua trang sách.

Sự chân thực, quyện hòa ấy cũng khiến nhiều “diễn viên”, dù tác phẩm đã kết thúc vẫn chưa thể “thoát vai”, cảm xúc đẩy lên cao tới mức bật khóc trước số phận của nhân vật.

z5279915565959 bf2009a177394b3c70558dc3355a2d7f.jpg
Học sinh tái hiện tác phẩm “Bắc Lệ đền thiêng”

Còn với Nguyễn Sinh Hùng, học sinh lớp 10E, xuất hiện trong tác phẩm “Bắc Lệ đền thiêng”, Hùng được hóa thân vào nhân vật thầy Thuấn. Bước vào vai diễn, Hùng cảm nhận sâu sắc ý chí, tinh thần gìn giữ di sản văn hóa tâm linh của ông cha - tập tục thờ Mẫu và hát văn – dù họ phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.

So với việc học văn qua trang sách, Hùng đánh giá đây là cách học rất hiệu quả, bởi học sinh không bị “ép” vào những góc nhìn sẵn có của giáo viên mà có những suy nghĩ, cảm nhận riêng về nhân vật. Trên sân khấu, bằng sự hóa thân của học trò, các tác phẩm văn học bỗng chốc trở nên chân thực, gần gũi.

Chứng kiến học sinh tái hiện tác phẩm của mình (truyện ngắn Người ở bến sông Châu) ngay trên sân khấu, nhà văn Sương Nguyệt Minh xúc động, nói: “Các em sáng tạo, có lối diễn cảm xúc và hay hơn cả truyện ngắn tôi viết”. Theo ông, đây là điều đáng mừng, bởi “thế hệ chúng tôi trước đây chỉ nghe thầy cô giảng và ra sức chép bài, viết càng nhiều, giống như thầy cô giảng càng được điểm cao”.

z5279915577359 f1426d47a7a748375e695b65e73f2a5d.jpg
Truyện ngắn "Người ở bến sông Châu" được sân khấu hóa.

Nhiều năm đồng hành và theo dõi học sinh tham gia vào dự án “Sân khấu hóa tác phẩm văn học”, nhưng năm nào cô Lê Thị Tâm Hảo, giáo viên môn Ngữ văn cũng cảm thấy bất ngờ. “Cô giáo dù có giảng cảm xúc đến mấy cũng rất khó để học sinh “nhập thân”, khóc cùng cuộc đời nhân vật như vậy”, cô Hảo cho biết.

Còn theo cô Đỗ Thị Ngọc Chi, Phó Hiệu trưởng nhà trường, so với phương pháp học truyền thống, đây là cách giúp học sinh được chủ động chiếm lĩnh tác phẩm.

“Sự kết đọng của phương pháp nằm ở chữ “trả” – tức trả về chủ nhân đích thực của việc đọc hiểu tác phẩm là học trò. Qua cách khám phá của học sinh, cuộc đời của nhân vật văn học cũng sẽ được tái hiện lại. Khi được tự trải nghiệm và đắm mình trong tác phẩm, các con sẽ hiểu sâu theo cách riêng và nhớ hơn so với những gì thầy cô giảng”.