Học sinh miền núi rủ nhau học nghề

Trường Cao đẳng Công nghệ Nông lâm Đông Bắc (Minh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn) có 9 nghề hệ cao đẳng, 14 nghề hệ trung cấp và 27 nghề sơ cấp.

{keywords}
Giờ học thực hành nghề Công nghệ ô tô. 

Những năm qua, số lượng học sinh, sinh viên của trường là con em dân tộc miền núi ở các tỉnh phía Bắc chiếm 70%. Từ khi áp dụng mô hình 9+, số lượng học sinh đăng ký học nghề càng tăng cao.

Tốt nghiệp lớp 9, Hoàng Xuân Duy (SN 2004) cậu học sinh người dân tộc Nùng ở Hòa Bình (Hữu Lũng, Lạng Sơn) tự định hướng cho mình con đường đi học nghề.

{keywords}
Học sinh Hoàng Xuân Duy

Gia đình Duy thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương. Bố mẹ sinh được 2 người con trai. Duy là con trai cả, dưới là em trai năm nay lên 10 tuổi. Quanh năm gia đình Duy bám trụ với nương rẫy, chăn nuôi gia súc nhưng vẫn không đủ ăn.

Từ khi công tác hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh của trường Cao đẳng Công nghệ Nông lâm Đông Bắc được mở rộng xuống từng địa bàn, thông tin về công tác đào tạo của trường đến gần hơn với học sinh.

Duy được trực tiếp nghe thầy cô của trường tham vấn nên quyết định chọn học nghề theo mô hình 9+ với mong muốn sẽ tìm được việc làm, giúp bố mẹ nuôi em trai ăn học. Bên cạnh đó, Duy cũng như nhiều học sinh miền núi khi đi học nghề được miễn giảm học phí, phần nào bớt áp lực về kinh tế.

“Em thấy các bạn đồng trang lứa ở nhà làm thuê, đi rừng… nhưng cuộc sống vẫn nghèo. Em nghĩ, nếu mình không tìm hướng đi khác, sau này sẽ không thể khá được. Vì thế, thấy nhà trường tuyển sinh em đăng ký theo học để sau này có được một nghề trong tay”, Duy bộc bạch.

{keywords}
Việc chọn học nghề đã giúp nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm ổn định. 

Các doanh nghiệp điện tử thường đón đầu, đến tuyển dụng nhân sự tại trường từ khi các em làm lễ bế mạc năm học. Thấy tiềm năng về việc làm, Duy đã đăng ký học ngành Điện tử công nghiệp.

Duy bày tỏ: “Nhiều người học khóa trước đã đi xuất khẩu lao động, mức lương tương đối cao. Em cũng hi vọng mình sang nước ngoài lao động như vậy nên bây giờ đang cố gắng học tập, có tay nghề tốt”.

Ông Đào Sĩ Tam, hiệu trường nhà trường chia sẻ, ở các vùng miền núi, điều kiện học tập cũng như năng lực của học sinh còn hạn chế. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề không mất phí theo quy định của nhà nước, trường còn cam kết bảo đảm đầu ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh tham gia học nghề.

Thời điểm này, trường đang phối hợp liên kết với khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tức là đào tạo theo đơn đặt hàng và doanh nghiệp nhận ngay từ đầu.

“Với ngành nghề về nông lâm sản, trung bình thu nhập từ 5–9 triệu/tháng. Ngành nghề hàn, điện tử, thu nhập dao động từ 8–15 triệu/tháng”, ông Tam nói.

Hiện trường đào tạo nghề cho hơn 2.000 học sinh sinh viên. Trong đó học sinh theo học mô hình 9+ chiếm 60%. Mô hình dạy nghề 9+ cho học sinh vùng cao sau khi tốt nghiệp THCS sẽ phát triển bền vững. Đến khi các em 18 tuổi đã có nghề trong tay để tự tin bước vào đời. Hàng năm trường tuyển sinh 900 học viên và năm nào cũng tuyển đạt chỉ tiêu đề ra.

Chương trình đào tạo của nhà trường chủ yếu là thực hành, chiếm 70% số giờ học. Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến tác phong, thái độ làm việc để sau khi ra trường các em sớm tiếp cận được công việc.

{keywords}
Ông Đào Sĩ Tam, hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Nông lâm Đông Bắc

“Học sinh nhà trường sau khi tốt nghiệp có thể bắt kịp với công việc tại các doanh nghiệp hoặc đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động", hiệu trưởng Đào Sĩ Tam cho biết.

Ông Tam chia sẻ thêm, học sinh - sinh viên là dân tộc miền núi, gia đình có vài ha đất rừng. Một số em đã áp dụng kiến thức được học về trồng rừng, khai thác và chế biến nông lâm sản, mở rộng quy mô sản xuất. Kinh tế gia đình ngày một phát triển, khấm khá.

“Chương trình học phần lớn là thực hành. Các em được đào tạo bài bản theo các mô-đun tổng thể nên dễ dàng thích ứng, hiểu sâu về chuyên môn công việc”, ông Tam cho hay.

Tuy nhiên, ông Tam thông tin, việc tuyển sinh với đối tượng là con em đồng bào dân tộc ở vùng cao cũng có khó khăn.

Nhận thức của phụ huynh học sinh về nghề nghiệp ở đây còn nhiều hạn chế. Khi học xong cấp 2, nhiều cha mẹ thấy các em còn nhỏ tuổi nên chưa có định hướng nghề nghiệp cho tương lai của mình.

Gia đình làm nông nghiệp nên đa phần các em học hết cấp 2 và cấp 3 đều có tư tưởng ở nhà làm nương rẫy với bố mẹ rồi lập gia đình sớm.

Để định hướng nghề nghiệp, nhà trường làm công tác hướng nghiệp, giúp học sinh chọn con đường phù hợp với bản thân.

Song song với đó là cử cán bộ, giáo viên nhà trường trực tiếp xuống các trường phổ thông, đi khắp bản, xã, thị trấn trên địa bàn để tuyên truyền, vận động cho các em học sinh vùng cao đăng ký học để các em có nền tảng tự tin bước vào đời.

100% giáo viên đạt chất lượng kiểm định Quốc gia

Bên cạnh công tác đào tạo, trường Cao đẳng nghề Công nghệ Nông lâm Đông Bắc cũng chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên.

Hàng năm, nhà trường tổ chức cho giáo viên xuống các doanh nghiệp để nâng cao tay nghề và học hỏi kiến thức mới.

{keywords}
100% giáo viên của trường đạt tiêu chuẩn Quốc gia. 

Đồng thời tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và đưa giáo viên đến trung tâm nghề Quốc gia để thi và kiểm định chất lượng.

Nhà trường là một trong 32 cơ sở dạy nghề được Bộ LĐ-TBXH tổ chức kiểm định chất lượng và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề cao nhất (cấp độ 3), 100% giáo viên nhà trường đạt tiêu chuẩn cấp độ 3.

Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, nhà trường còn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học.

Năm 2011, Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc được Bộ LĐ-TBXH giao nhiệm vụ đào tạo 4 nghề cấp độ khu vực ASEAN như: Công nghệ ô tô, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, mộc xây dựng và trang trí nội thất, vận hành máy thi công nền và 2 nghề cấp độ quốc gia là lâm sinh và thú y.

{keywords}
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia 2020 được tổ chức tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ Nông lâm Đông Bắc.

Trường có 2 Đại sứ kỹ năng nghề mộc, từng là thí sinh đi thi được giải cao tham gia giảng dạy trong nhà trường kiêm huấn luyện các học sinh giỏi đi thi tay nghề trong nước và khu vực.

Đặc biệt, trường có em Trần Văn Huân đã giành được Huy chương Vàng ASEAN môn “Mộc Mỹ Nghệ” năm 2014 và tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới tại Brazil. Mặc dù không giành được huy chương nhưng Huân được BTC trao chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc.  

{keywords}
Đại sứ Kỹ năng nghề Hoàng Nhân Thắng

Em Trần Văn Huân do thầy Hoàng Nhân Thắng, một trong 10 Đại sứ Kỹ năng nghề trực tiếp huấn luyện. Trong kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia Năm 2020 trường có 4 thí sinh tham gia thi, anh Thắng cũng tham gia công tác huấn luyện.

"Chất lượng thí sinh năm nay đồng đều. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tăng cường huấn luyện cho học sinh. Chất lượng ôn luyện được đảm bảo hơn. 

Để lan tỏa giá trị nghề đến thế hệ trẻ, tôi đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh tại các khối trường THPT, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên... Hi vọng thông qua các công tác đó, sẽ thúc đẩy và giúp các em hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc học nghề", anh Thắng tâm sự. 

Quang Sơn