Ngày 8/4, các học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã mang nhiều "cặp sách" rất độc, lạ đến trường: xô, chậu, làn, bao tải, móc quần áo, giỏ nhựa, thùng các tông, hộp nhựa, giá treo, thậm chí là cả hót rác... để đựng sách vở.

 
 

Hoạt động khác lạ này để hòa cùng “Ngày hội không dùng cặp sách” - (Anti Backpack day) - một hoạt động do nhà trường tổ chức. Đây là ngày mà nhà trường cho phép học sinh sử dụng các vật dụng thân quen khác để đựng sách vở, đồ dùng học tập,...thay vì balo/cặp sách như thông thường.

 

Được biết, hoạt động này nhận được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường và được diễn ra trên phạm vi toàn trường.

Theo phía nhà trường, đây là trào lưu mà có rất nhiều trường học quốc tế hưởng ứng và cho học sinh được phép "sáng tạo".

 
 

Chia sẻ với VietNamNet, cô Lại Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cho hay, nhà trường tổ chức hoạt động này nhằm giúp các học sinh có thêm niềm vui, sự hứng thú khi đến trường sau quãng thời gian phải nghỉ học ở nhà để phòng chống dịch Covid-19 và chịu những ảnh hưởng tâm lý nhất định.

“Đại dịch kéo dài đã làm gián đoạn quá trình đến trường của học sinh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của các em. Để giúp học sinh có thêm niềm vui, sự hứng thú khi quay trở lại trường, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã tổ chức "Ngày hội không dùng cặp sách". Hoạt động này còn giúp học sinh thêm tự tin, dám thể hiện cá tính, bản lĩnh của cá nhân; khuyến khích sự sáng tạo, độc đáo, vượt qua những lối đi, cách thức, suy nghĩ cũ”, cô Thảo nói.

 
 
 

Hoạt động này đã được đông đảo các học sinh của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cùng tham gia và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ cùng thầy cô và bạn bè.

Em Nguyễn Thu Thảo, học sinh lớp 10A4 Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ chia sẻ, khi nghe đến tên của Ngày hội là “Không dùng cặp sách” thấy rất thú vị. Là người đầy tính tò mò và ưa sự mới lạ, Thảo tham gia ngay lập tức. “Không dùng ba lô mà vẫn phải mang sách vở đến trường như thường, thực sự là một thử thách, nhưng em vẫn thành công khi tìm được “bảo bối” của mình. Đó chính là cái làn mà bà nội dùng để đi chợ. Đây thực sự là một trải nghiệm, kỉ niệm thú vị khó quên”, Thảo nói.

 
 
 
 
 

Còn học sinh Hoàng Diệu Anh cho rằng, để tìm ra chiếc cặp sách “đặc biệt” cũng thể hiện tính sáng tạo của mỗi học sinh khi thể hiện một hình ảnh khác với chiếc cặp sách truyền thống.

“Đó có thể là những chiếc túi vải bình thường, hay những chiếc thùng các tông,... tất cả những đồ vật ấy đều trở thành một chiếc “cặp sách” đầy thú vị. Em cảm thấy đây là một hoạt động rất mới lạ và là một ý tưởng hay để góp phần kích thích sự sáng tạo của học sinh, cũng như đem lại cảm giác hứng thú hơn trong việc học tập và đến trường khi mỗi học sinh mang theo một chiếc cặp sách dành riêng cho mình mà không cần quá tốn kém. Quả thật, tri thức có thể được bao bọc trong những điều giản dị nhất”, Diệu Anh tâm sự.

Thanh Hùng