Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa bỏ phiếu thông qua một nghị quyết quan trọng, trong đó yêu cầu phá hủy tất cả các vũ khí hóa học của Syria và lên án vụ tấn công khí độc ở Damascus.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}

Các cường quốc đã khơi thông bế tắc kéo dài, tiến tới thông qua nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an về xung đột Syria, cuộc chiến mà theo Liên Hợp Quốc đã cướp mạng sống của hơn 100.000 người trong vòng 30 tháng.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi nghị quyết "lịch sử" này là "tin tức đầy hy vọng đầu tiên về Syria trong một thời gian dài".

Nghị quyết 2118, kết quả của nhiều cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, đặt lực lượng ràng buộc quốc tế vào một kế hoạch mà hai nước soạn ra nhằm tiêu hủy các vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Saad. Không có lệnh trừng phạt nào ngay lập tức về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Damascus mà Liên Hợp Quốc đã xác nhận. Tuy nhiên, nghị quyết cho phép một cuộc bỏ phiếu mới về các biện pháp có thể nếu kế hoạch của Nga và Mỹ bị vi phạm.

Tổng thống Barack Obama ca ngợi nghị quyết là một "chiến thắng to lớn tiềm năng cho cộng đồng quốc tế". Ông cho biết trước cuộc bỏ phiếu rằng sẽ có "những hậu quả" nếu lãnh đạo Syria không giữ đúng cam kết tuân thủ kế hoạch.

Nga, đồng minh chính của ông Assad, phản đối bất kỳ một gợi ý cấm vận hay sức mạnh quân sự nào chống lại Assad. Nước này từng dùng quyền phủ quyết của mình với tư cách một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an để bác bỏ ba dự thảo nghị quyết trước đó của phương Tây về Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh rằng, sẽ không có một sự thi hành luật tự động nào và mọi sự vi phạm đều được Hội đồng Bảo an xem xét "kỹ".

Nghị quyết dùng "những ngôn từ mạnh mẽ nhất lên án bất kỳ sự sử dụng vũ khí hóa học nào ở Syria, đặc biệt là vụ tấn công ngày 21/8/2013, vi phạm luật pháp quốc tế".

Mỹ khẳng định cuộc tấn công nhằm vào vùng ngoại ô Ghouta của Damascus đã khiến hơn 1.400 người chết. Nước này cáo buộc chính phủ Syria thực hiện vụ tấn công bằng khí sarin này và dọa sẽ hành động quân sự để đáp trả. Phía Nga từ chối những kêu gọi từ Anh và Pháp rằng vụ tấn công ở Ghouta phải được đưa ra trước Tòa án Hình sự quốc tế.

Nghị quyết bày tỏ "sự thuyết phục mạnh mẽ" rằng những người thực hiện các cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria "cần bị buộc phải chịu trách nhiệm". Văn bản cũng chính thức tán thành một quyết định được đưa ra vài giờ trước đó bởi Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học chấp nhận kế hoạch giải giáp của Nga - Mỹ. Kế hoạch yêu cầu tất cả các vũ khí của Syria phải được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế vào giữa năm 2014. Giới chuyên gia cho rằng khung thời gian này là rất căng.

Các chuyên gia quốc tế được cho là sẽ bắt đầu công việc ở Syria trong tuần tới. Tổng thư ký Ban Ki-môn cũng nói với Hội đồng Bảo an rằng ông muốn tổ chức một hội nghị hòa bình Syria mới trong tháng 11.

"Chúng tôi đang nhắm đến một hội nghị vào giữa tháng 11", ông Ban cho biết. Theo nhà lãnh đạo này, các ngoại trưởng của Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Liên Hợp Quốc đã nhất trí sẽ đảm bảo hai phía xung đột đàm phán trong "sự tin cậy tốt đẹp".

Hội nghị hòa bình Syria đầu tiên được tổ chức hồi tháng 6/2012 nhưng không thể tiếp tục do những chia rẽ trong phe đối lập Syria và cộng đồng quốc tế.

Các nhà ngoại giao cho biết, Tổng thư ký Ban sẽ bắt đầu tiếp xúc với phái viên hòa bình Syria Lakhdar Brahimi vào tuần tới nhằm đặt ra thời gian cụ thể và ai sẽ dự cuộc họp mới.

Hội nghị năm 2012 giữa các cường quốc đã nhất trí rằng sẽ có một chính phủ chuyển giao ở Syria với đầy đủ các quyền hành pháp, đồng thời xác định sẽ có một hội nghị mới để quyết định cách thức thực thi hiệp ước.

Thanh Hảo (Tổng hợp)