Cựu CEO của Google Eric Schmidt từng nói: “Chúng tôi điều hành công ty bằng những câu hỏi chứ không phải câu trả lời'.
Ông tin rằng biết cách đặt những câu hỏi cho chính mình và đồng sự giúp công ty nhìn thẳng vào các vấn đề mắc phải thay vì cố tìm cách lẩn tránh chúng. Từ đó, một công ty có thể vượt qua những khó khăn để tồn tại và phát triển bền vững.
Eric Schmidt là một trong những nhà quản trị đưa Google trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới.
Mới đây, ngày 19/10/2022, phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2022-2023 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã chia sẻ rất thú vị về hỏi để học.
Bộ trưởng nói: Các cụ nhà mình nói: Học hỏi. Đa số các nước khác không có từ này.
Hỏi là tư duy. Học mà không hỏi là học mà không tư duy.
Hỏi là tiêu hoá, học là ăn. Học mà không hỏi là ăn mà không tiêu hoá”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm, hỏi là tìm cái gốc. Học là cái ngọn. Học mà không hỏi là có ngọn mà không có gốc. Hỏi là để hiểu. Học là để nhớ. Nhớ nhiều mà không hiểu thì gọi là học vẹt.
Không chỉ vậy, theo Bộ trưởng TT&TT, hỏi là làm cho ít đi. Học là làm cho nhiều lên. Ít đi thì nhớ, nhiều lên thì không nhớ. Người uyên thâm thì bao giờ cũng tìm đến sự ít.
Hỏi để sinh ra tri thức mới. Học là nhận vào tri thức cũ. Học sinh mà hỏi thì giáo viên sẽ tư duy và vì thế mà sinh ra tri thức mới. Người giáo viên đến lớp mỗi ngày thấy thú vị là do học sinh hỏi. Không có sự thú vị mỗi ngày thì bài giảng cũng không hay được. Vậy là bằng cách hỏi, các em đã biến lớp học thành một môi trường sáng tạo.
Hỏi là để giáo viên học ở học sinh. Học là để học sinh học ở giáo viên.
Thời 4.0, Google sẽ không nói gì nếu chúng ta không hỏi. Hỏi mà không trúng thì Google cũng nói những thứ không liên quan, tức là rác. Hỏi mà trúng thì Google cái gì cũng biết.
Bởi vậy mà thời 4.0 thì hỏi là việc đầu tiên của học.
Thực tế cho thấy, có những câu hỏi làm thay đổi thế giới.
Xem lại toàn văn bài viết về chuyển đổi số giáo dục của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng TẠI ĐÂY.