Nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 65 năm ngành Xây dựng Việt Nam, Triễn lãm Kiến trúc và Hội thảo quốc tế “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng” mong muốn ghi nhận sự cống hiến và các thành tựu, đóng góp to lớn của Kiến trúc Việt Nam và các Kiến trúc sư Việt Nam cũng như tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các định hướng mới, giải pháp mới trên cả phương diện lý luận, sáng tác, đào tạo và quản lý cho sự phát triển của Kiến trúc Việt Nam để tận dụng cơ hội, giải quyết các thách thức thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật - khoa học, kỹ thuật có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội; tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững cho con người và xã hội. Qua sự đóng góp ở nhiều mức độ, Kiến trúc thể hiện các giá trị tư tưởng, bản sắc văn hóa và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Trong hệ thống 889 đô thị hình thành khắp cả nước, với hàng ngàn khu đô thị mới với hạ tầng được được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới; hàng vạn công trình, cụm công trình đa dạng, phức hợp về công năng, thẩm mỹ kết hợp khá nhuần nhuyễn tính dân tộc và hiện đại, được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến, vật liệu mới đã và đang tạo lập lên những đô thị có diện mạo văn minh, hiện đại với nhiều không gian sống và làm việc có chất lượng. Kiến trúc của nhiều vùng nông thôn đã thể hiện được tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý việc bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cùng với xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cần được nghiên cứu kỹ và được cụ thể hóa hơn nữa với việc tiếp thu chọn lọc, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng vật liệu mới, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Điều này đặt ra cơ hội, yêu cầu mới, đòi hỏi đội ngũ Kiến trúc sư Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước về Kiến trúc cần phải có những quan tâm nỗ lực, tiếp cận mới, có định hướng, giải pháp phù hợp, hiệu quả.