Bảo Lâm là huyện vùng cao, biên giới phía Tây Nam của tỉnh Cao Bằng. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức cao, với hơn 42,4% hộ gia đình thuộc diện nghèo, giảm gần 7% so với năm trước đó. Đáng nói, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo.
Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, huyện đã huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, nhất là chính người nghèo trong công tác giảm nghèo.
Trong năm 2024, huyện Bảo Lâm đặt mục tiêu hỗ trợ trên 1.200 hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà ở tạm, dột nát. Mỗi căn nhà được xây dựng mới sẽ đảm bảo chất lượng và có giá trị sử dụng lâu dài với các tiêu chí 3 cứng (mái cứng, nền cứng, tường cứng) để giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Bảo Lâm cho hay ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã phối hợp với MTTQ, các tổ chức, đoàn thể chủ động rà soát kỹ lưỡng về khả năng đối ứng, nguồn lực của từng gia đình để có kế hoạch hỗ trợ cụ thể.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động tối đa nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, huy động kinh phí, ngày công lao động để hỗ trợ các hộ còn khó khăn xây dựng nhà ở.
Ông Chung Văn Khèn, xóm Phiêng Pẻn, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, cho biết gia đình có 6 nhân khẩu, gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn. Trước kia gia đình ông phải ở nhà tạm, mái lợp phi brô xi măng đã xuống cấp, không có điều kiện sửa chữa căn nhà. Nhờ được hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo và chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ông mới có điều kiện xây dựng căn nhà kiên cố.
Tại Nam Quang, năm 2024, xã được cấp gần 5 tỷ đồng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Xã đã giải ngân hơn 1 tỷ đồng vốn hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát với 20 nhà sửa chữa, 16 nhà làm mới.
Xã Thái Học là địa phương đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất lớn, trong đó đa số chưa có nhà ở ổn định. Năm 2024, toàn xã triển khai hỗ trợ cho 96 hộ nghèo xóa nhà tạm nhà dột nát.
Gia đình anh Đặng Đức Văn, xóm Nà Sài, xã Thái Học, là một trong những hộ được hỗ trợ nhà ở năm nay. Là hộ nghèo, hai vợ chồng không có việc làm ổn định nên nhiều năm qua cả gia đình với 4 nhân khẩu phải sinh sống trong ngôi nhà cũ, dột nát.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình xóa nhà, nhà dột nát, cộng thêm số tiền vay mượn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng sự hỗ trợ của người thân quen, đầu năm 2024, gia đình anh Văn đã khởi công xây dựng nơi ở mới kiên cố, khang trang. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn với vợ chồng anh, nhưng được sống trong ngôi nhà mơ ước, vững chãi, là động lực để anh Văn động viên vợ tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, từng bước thoát ra khỏi diện hộ nghèo.
Tại xã Thái Học, phần lớn các hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà mới đều có kinh tế eo hẹp, không có nguồn kinh phí đối ứng. Do đó, trong quá trình thực hiện, xã gặp nhiều khó khăn trong chuẩn bị nguyên vật liệu, san gạt mặt bằng, kinh phí chi trả xây dựng.
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực tại chỗ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân trong quá trình xây dựng nhà ở. Tại các thôn, xóm, MTTQ phối hợp với các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh cùng tham gia hỗ trợ các hộ gia đình trong vận chuyển nguyên vật liệu, tháo dỡ, san gạt mặt bằng.
Huyện Bảo Lâm đặt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 5% trở lên, nâng cao đời sống người dân, tăng thu nhập và bù đắp các chiều thiếu hụt trong dịch vụ xã hội cơ bản.