Trao đổi về thẻ tín dụng nội địa, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay: Trong 5 năm qua, thẻ nội địa ở Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Đến thời điểm hiện tại, hơn 100 triệu thẻ nội địa đã được phát hành, lưu hành và được người dân sử dụng để thanh toán và rút tiền tại hơn 20.000 điểm ATM.
Xét riêng về vấn đề chi tiêu tại các điểm giao dịch, trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch chi tiêu qua thẻ đạt 45% và giá trị giao dịch đạt 40%.
"Đến thời điểm này, 600.000 thẻ đã được phát hành. Con số này không quá lớn nhưng xét trong điều kiện nhiều lần giãn cách do dịch COVID-19, trong khi với thẻ tín dụng nội địa người dân phải đến trực tiếp tổ chức phát hành để ký và nhận thì con số trên cũng đáng được ghi nhận", ông Nguyễn Đăng Hùng nói.
Đại diện NAPAS cho hay: Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa phục vụ đa số người dân, hướng đến tài chính toàn diện mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề ra. Người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ cho tiêu dùng cá nhân, đặc biệt người kinh doanh cá thể, người nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận như một nguồn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của mình.
Thẻ tín dụng nội địa cũng có nhiều ưu điểm, như với hạn mức nhỏ nên các yêu cầu về việc cấp hạn mức, cấp phép phát hành thẻ đơn giản hơn so với thẻ quốc tế tương tự. Với thẻ này, người lao động có nhu cầu thì có thể chi tiêu ngay, không phải tìm mọi cách để vay (kể cả tín dụng đen).
Đặc biệt, các ngân hàng tổ chức phát hành thẻ có thể miễn lãi vay lên tới 60 ngày. NAPAS đã hợp tác với các ngân hàng để đưa ra sản phẩm thẻ, cả sản phẩm thẻ Agribank Lộc Việt 2 trong 1, hay Vietcredit… Đây cũng là định hướng sắp tới để đẩy mạnh việc hợp tác phổ cập thẻ tín dụng nội địa đến đa số người dân.
Tuyết Nhung, Anh Dũng, Duy Tuấn