Theo VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 giảm mạnh 50,5% so với quý trước và giảm 70,9% so với cùng kỳ, xuống 60.635 tỷ đồng do các tổ chức chờ đợi nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 153 trước đó.
Trong đó, tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ và công chúng lần lượt là 97,4% và 2,6%.
Tổng cộng, có 42 doanh nghiệp phát hành trong quý. Trong đó, các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất đều là các ngân hàng, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (6.867 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông (6.600 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (4.210 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Á Châu (3.800 tỷ đồng) của nhà ông Trần Hùng Huy, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (3.694 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quân đội (3.630 tỷ đồng).
Trong quý III, tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 82,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 48.683 tỷ đồng, giảm 39,5% so với quý trước và giảm 37,9% so với cùng kỳ.
Bất động sản chiếm tỷ trọng 13,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 8.091 tỷ đồng, giảm mạnh 45,9% so với quý II và giảm 90,9% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp bất động sản có phát hành riêng lẻ nhiều nhất trong quý bao gồm: CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (2.285,6 tỷ đồng) và CTCP Fuji Nutri Food (1.000 tỷ đồng).
Tập đoàn đa ngành chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về giá trị phát hành riêng lẻ với khoản 1.500 tỷ đồng (giảm 89,5% so với quý II/2022), chỉ có CTCP Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang phát hành trong quý này.
Các ngành khác chiếm 1,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 758 tỷ đồng, giảm 94% so với quý trước. Trong đó, đáng chú ý có CTCP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phát hành 300 tỷ đồng với kỳ hạn 3 năm và Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang phát hành 290 tỷ đồng với kì hạn 5 năm.
Tính trong 9 tháng, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ước đạt 248.603 tỷ đồng, giảm 43,5% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ trong quý III/2022 tăng 12,1% so với quý trước, với tỷ lệ trúng thầu đạt 39,3%.
Vào giữa tháng 9, Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Điểm đáng chú ý là, Nghị định 65 vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó (dựa trên khoản 2 Điều 5).
Theo FiinGroup, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng trong năm nay là 35,56 nghìn tỷ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61,37 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Cho dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm đáng kể nhờ hoạt động mua lại thời gian gần đây, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn.
Theo FiinGroup, các quý sắp tới dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, dòng tiền chảy vào các công ty con đang bị kiểm soát bởi Thông tư 16, Thông tư 39, và tiếp theo là Nghị định 65. Việc đáp ứng nghĩa vụ nợ sắp tới sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang, làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng gặp trở ngại tiếp cận vốn tín dụng như bất động sản.
Nghị định 65 cũng có nhiều quy định chặt chẽ về công bố thông tin, định nghĩa về nhà đầu chuyên nghiệp cũng như đăng ký lưu ký tập trung trái phiếu doanh nghiệp nhằm cải thiện thanh khoản và nâng cao sự chuyên nghiệp của một thị trường vốn quan trọng...
FiinGroup cho rằng, Nghị định 65 tạo hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu, từ đó giảm tải gánh nặng đối với nguồn tín dụng hiện nay. Các ảnh hưởng tích cực của Nghị định 65 cũng sẽ giúp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, trả lại chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn tập trung cho vay tiêu dùng và mua nhà.
Nghị định 65 cũng có sửa đổi bổ sung những quy định nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn, trong đó bổ sung điều kiện doanh nghiệp chào bán riêng lẻ phải đăng ký lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trái phiếu đã phát hành trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán. Nghị định cũng ấn định thời gian vận hành của hệ thống lưu ký và giao dịch là giữa năm 2023.