Trả lời phóng viên hôm 6/11, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết thông tin sai sự thật và thù địch trên mạng – được mạng xã hội thúc đẩy và khuếch đại – tiềm ẩn “rủi ro lớn với gắn kết xã hội, hòa bình và sự ổn định”. Do đó, cần thiết phải có quy định để bảo vệ quyền truy cập thông tin, đồng thời bảo vệ tự do ngôn luận và nhân quyền.
Khảo sát do UNESCO ủy quyền thực hiện tại 16 quốc gia sẽ tổ chức bầu cử vào năm tới – với tổng số 2,5 tỷ cử tri - cho thấy nhu cầu về quy định hiệu quả đã trở nên cấp bách như thế nào. 8.000 người đến từ các nước như Áo, Croatia, Mỹ, Algeria, Mexico, Ghana và Ấn Độ chỉ ra 56% người dùng Internet tiếp nhận tin tức chủ yếu từ mạng xã hội, cao hơn nhiều so với truyền hình (44%) hay các website truyền thông (29%).
Mạng xã hội là nguồn tin lớn nhất tại gần như mọi quốc gia, bất chấp mức độ tin tưởng trong thông tin mà nó cung cấp thấp hơn đáng kể so với các phương tiện truyền thông truyền thống: 50% so với 66% của truyền hình, 63% của đài phát thanh, 57% của ứng dụng và website truyền thông.
Tại tất cả 16 nước, 68% người được hỏi nhất trí mạng xã hội là nơi phát tán tin giả rộng rãi nhất, tiếp đến là ứng dụng nhắn tin (38%). Thông tin sai sự thật được xem là mối đe dọa cụ thể, 85% bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của nó. 87% tin rằng nó tác động lớn đến đời sống chính trị quốc gia và đóng góp vai trò trong cuộc bầu cử năm 2024.
Phát ngôn thù địch cũng đang lan truyền phổ biến: 67% từng chứng kiến trên mạng. 88% người được hỏi muốn chính phủ và các nhà quản lý xử lý cả hai vấn đề, 90% muốn các nền tảng hành động.
Mathieu Gallard – Giám đốc Ipsos, đơn vị được UNESCO ủy quyền thực hiện khảo sát – nhận xét mọi người đều rất lo lắng về thông tin sai sự thật, dù họ sống ở nước nào và tuổi tác, học vấn ra sao, nông thôn hay thành thị. Họ đặc biệt lo ngại trong thời gian diễn ra bầu cử và mong muốn mọi bên liên quan xử lý vấn đề.
UNESCO đã công bố kế hoạch chống lại thông tin sai sự thật dựa trên 7 nguyên tắc chính, là kết quả từ quy trình cố vấn “chưa từng có” trong hệ thống Liên Hợp Quốc, thu hút hơn 10.000 đóng góp từ 134 quốc gia trong 18 tháng.
Theo UNESCO, các cơ quan quản lý công độc lập và có nguồn lực tốt phải được thiết lập ở mọi nơi và nên hợp tác cùng nhau như một phần trong mạng lưới lớn hơn nhằm ngăn chặn các tổ chức kỹ thuật số tận dụng khác biệt pháp lý giữa các nước.
Các nền tảng phải kiểm duyệt nội dung hiệu quả trên quy mô lớn, tại mọi khu vực và mọi ngôn ngữ, “có trách nhiệm giải trình và minh bạch liên quan đến các thuật toán gia tăng tối đa tính tương tác mà hy sinh thông tin đáng tin cậy”.
Nhà chức trách và nền tảng phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn – bao gồm đánh giá rủi ro, báo cáo nội dung, minh bạch hơn nữa xoay quanh quảng cáo chính trị - trong suốt thời gian bầu cử và khi có khủng hoảng như xung đột vũ trang, thảm họa.
(Theo The Guardian)