Trưa 6/4, lãnh đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng Hải Việt Nam cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy hộp đen của chiếc trực thăng rơi vào chiều tối 5/4. Thiết bị này được chuyển về đất liền cùng với các bộ phận khác của trực thăng để phục vụ công tác điều tra.

Câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm là trong hộp đen máy bay chứa thông tin gì, và việc giải mã hộp đen sẽ được thực hiện ra sao?

Chuyên gia hàng không, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, hộp đen máy bay là thiết bị lưu trữ những thông tin quan trọng về dữ liệu của chuyến bay từ khi máy bay bắt đầu cất cánh như tốc độ, độ cao...

Lực lượng cứu hộ trong vụ trực thăng rơi. Ảnh: Hoài Anh

Với trọng lượng khoảng 4,5kg, hộp đen chứa các thành phần chính: Khung cứng hoặc lớp vỏ hộp được thiết kế đặc biệt để bảo vệ thiết bị bên trong, tạo điều kiện ghi và phát lại cùng một đèn hiệu định vị dưới nước. "Bộ nhớ có khả năng chịu lực cao" của hộp đen được làm bằng thép không gỉ hoặc titan

Trong đó, thiết kế hộp đen gồm 2 thiết bị: máy ghi âm buồng lái (CVR) và máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR). Chúng hoạt động liên tục nhờ sử dụng điện từ động cơ của vật chủ. Thậm chí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động phát tín hiệu khi tách ra khỏi máy bay, hộp đen máy bay còn được trang bị nguồn năng lượng phụ.

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh đến chức năng ghi lại âm thanh, những chấn động trên máy bay. Ngoài ra, hộp đen cũng ghi lại sự trao đổi của phi công với mặt đất.

Việc tìm kiếm hộp đen là nhiệm vụ thiết yếu để tìm ra nguyên nhân khiến máy bay gặp sự cố. Mục đích là giúp các chuyên gia xác định nguyên nhân và giúp ngăn ngừa những tai nạn tương tự trong tương lai.

“Sau mỗi sự cố khi máy bay gặp phải, cơ quan chức năng sẽ tìm kiếm hộp đen nhằm giải mã, đối chiếu âm thanh với những thông tin khác. Ví dụ có tiếng nổ thì có thể xác định bị bắn hoặc nổ do trục trặc kỹ thuật. Hay như xác định thời gian tiếng động xảy ra để từ đó xác định được thời điểm, vị trí  máy bay gặp nạn.

Tóm lại giải mã được hộp đen sẽ xác định được nguyên nhân xảy ra sự cố, thời gian diễn ra trong bao lâu”, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống thông tin.

Theo PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, trên mỗi máy bay thông thường sẽ có hai hộp đen, một hộp được đặt ở buồng lái, hộp còn lại đặt ở vị trí khác trong máy bay.

Hộp đen có thường có màu cam được thiết kế cực kỳ an toàn có thể chịu lực tác động lên tới 3.400 lần so với khối lượng nên nó có thể chịu được sự phá hủy khủng khiếp từ bất kỳ vụ nổ máy bay nào.

“Trong trường hợp máy bay bị cháy, nổ, hay chìm dưới nước thì hộp đen vẫn được bảo vệ mà không thể bị cháy hay hư hỏng”, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Ông cho biết, sau khi tìm kiếm được hộp đen ở những vụ rơi máy bay, các kỹ thuật viên sẽ sao chép tệp âm thanh, dữ liệu trước khi so sánh, đối chiếu. Dữ liệu ban đầu thu được chỉ là dữ liệu thô.

Chúng phải được giải mã trước khi được chuyển thành đồ thị và âm thanh. Nhà điều tra đôi khi phải sử dụng "phân tích quang phổ" để kiểm tra âm thanh một cách kỹ càng. Công nghệ này cho phép các nhà khoa học nhận ra những tiếng còi báo động khó nghe nhất hoặc tiếng nổ thoáng qua.

“Thiết kế máy bay rất an toàn nhưng theo thống kê nếu máy bay trực thăng bị rơi thì gần như không ai sống sót", PGS. TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc 

Ngày 5/4, máy bay trực thăng Bell 505 số hiệu VN-8650 (do Công ty Trực thăng Miền Bắc điều hành và quản lý) bị mất liên lạc, rơi tại khu vực biển giáp ranh giữa vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Trên trực thăng có 5 người gồm 1 phi công là đại tá Chu Quang Minh và 4 khách du lịch người Việt Nam. Đến ngày 7/4, tất cả các nạn nhân đã được tìm thấy. 

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đồng thời, tổ chức giải quyết tốt hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình phi công và những người bị nạn, thực hiện các chế độ chính sách đối với quân nhân bị nạn theo quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các chuyến bay.

Dự định dang dở của phi công trong vụ rơi trực thăng

Dự định dang dở của phi công trong vụ rơi trực thăng

"Cuối năm nay anh ấy được nghỉ hưu, chúng tôi dự định sẽ đi du lịch cùng nhau, nhưng chưa kịp thực hiện đã xảy ra sự việc đau lòng”, bà Nguyễn Thị Ngân bật khóc khi nhắc về chồng mình là phi công Chu Quang Minh.