Trong nội dung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 có nội dung triển khai dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Đây là một chủ trương tốt, đúng đắn nhưng trong việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, khó khăn về chương trình và tài liệu giảng dạy. Trước đây, chúng ta đã có bộ sách Toán 10, 11, 12 trên cơ sở chương trình và SGK Toán 2006. Tương tự, chúng ta cũng có bộ sách Vật lý 10, 11, 12. Nhưng tài liệu cho các môn khác ở THCS, THPT hầu như không có. 

Thứ hai, đội ngũ giáo viên có thể dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh đang rất thiếu. Giáo viên giỏi Ngoại ngữ đa số không dạy được Toán, Khoa học và ngược lại, giáo viên dạy được Toán và Khoa học lại không giỏi Ngoại ngữ. Nếu cứ cố dạy, hiệu quả cũng sẽ không cao vì khi thầy cô không tự tin, sẽ rất dễ dẫn đến dạy cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Học sinh TP.HCM. Ảnh: Huế Nguyễn

Trong khi phương án mời giáo viên nước ngoài khá tốn kém về chi phí. Bên cạnh đó, nguồn giáo viên nước ngoài không phải lúc nào và ở đâu cũng có, thường chỉ có ở các thành phố lớn. Với tư duy tận dụng giáo viên tại chỗ, trả thù lao thấp, chất lượng chắc chắn sẽ không đảm bảo, dẫn đến là lãng phí cả tiền lẫn thời gian của thầy trò. 

Giải pháp dùng học liệu online, sử dụng các nguồn lực dùng chung (của các đơn vị giáo dục tư nhân) là một cách làm hiệu quả. Đương nhiên, chúng ta cần có những sự đánh giá về chất lượng chuyên môn của các đơn vị này.

Theo tôi, trách nhiệm thuộc về BGH các trường. Thực tế, nếu BGH quan tâm, làm việc với các đơn vị trên tinh thần thuần túy chuyên môn, gạt đi những đối tác “làm kém nhưng feedback tốt” sẽ chọn được những đối tác như ý. 

Một kênh quan trọng nữa để có thể kiểm chứng, chính là tham chiếu các trường học khác đã sử dụng và vận hành sản phẩm. Trong quản lý chất lượng, các công cụ hành chính (kiểm tra, cấp phép) thường ít có hiệu quả. Trong khi đó, quản lý chất lượng hiệu quả nhất là thông qua đánh giá của khách hàng.

Trên thực tế, không chỉ là Toán và tiếng Anh, một số nhu cầu khác của học sinh như học luyện thi IELTS, SAT, AP… một trường học bình thường cũng khó đáp ứng.

Thông thường học sinh và phụ huynh sẽ phải tự tìm các dịch vụ bên ngoài. Nếu biết cách phối hợp với các đơn vị, chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm cả 3 bên đều có lợi (học sinh, đối tác, nhà trường). 

Một trong những chủ trương của Sở GD-ĐT TP.HCM là tăng cường tỷ lệ e-learning (giáo dục trực tuyến), tự học trên các hệ thống LMS (Learning Management System – Hệ thống quản trị đào tạo). Điều này giúp học sinh biết cách tự học, sử dụng công nghệ, biết tự kiểm tra, đánh giá.

Nhờ vào AI (trí tuệ nhân tạo), việc học dần được cá nhân hóa, được thiết kế ở mức độ tương tác, rất hấp dẫn và lôi cuốn. Giáo viên có thể truy vết lịch sử học tập của học sinh, có số liệu thống kê chi tiết từng phần, từng đơn vị kiến thức để có thể đưa ra những lời khuyên, những định hướng học cho học sinh.

Mặt khác, nhờ việc sử dụng học online cho các nội dung mang tính nền tảng, căn bản, các trường có thêm thời gian dành cho các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động học tập ở mức độ nâng cao như học tập trải nghiệm, học tập theo dự án…

Những hệ thống LMS còn có tính mở, tức là tạo ra một platform cho các trường triển khai các nội dung đặc thù, bên cạnh cơ sở dữ liệu dùng chung. Từ đó tùy vào từng trường, hệ thống này có thể phát huy được hiệu quả ở các mức độ khác nhau. 

Tháo gỡ định kiến về hợp tác công-tư và đào tạo trực tuyến là điều chúng ta nên làm. Điều khó khăn là quan điểm công ty tư nhân và các trường học chỉ có một mục đích duy nhất là “khai thác” học sinh để có lợi nhuận đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Điều này dẫn đến rào cản trong sự hợp tác giữa giáo dục công và tư.

Trong mọi kết luận, sự đánh giá cần phải có số liệu, đo đạc, phải có ý kiến của các chuyên gia được thu thập một cách khách quan, khoa học. Bên cạnh đó, hành trình hợp tác nào cũng không thể thiếu sự tranh luận, phản biện và lắng nghe phản biện.

Đơn cử như các nhà Toán học, họ không khẳng định bất cứ điều gì khi chưa thể chứng minh. Nếu không, thay vì giúp ích bởi những phản biện, chúng ta lại vùi dập một ý tưởng tốt, những chương trình có lợi cho học sinh, cho xã hội.

Vai trò của những nhà phản biện còn là phải biết gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng, tìm ra những điều hay của chương trình, dự án... để tạo động lực, khuyến khích, có thế xã hội mới phát triển.