HTX tự tin tiêu thụ nông sản trên nền tảng số
Mới đây tại Hưng Yên, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức hội nghị tổng kết dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất rau chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu tại một số tỉnh phía Bắc”. Nhiều kinh nghiệm thực tế của các HTX trong việc sản xuất, tiếp thị và tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm OCOP đã được thảo luận.
Theo TS Đỗ Văn Ngọc, Chủ nhiệm dự án, tại 3 địa phương thực hiện chương trình (Hà Nội, Hưng Yên và Sơn La từ năm 2021 – 2023), với trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau thương phẩm chất lượng cao, đồng đều, phù hợp với điều kiện đầu tư của nông dân tại một số tỉnh phía Bắc. Qua 3 năm triển khai, toàn bộ các mục tiêu dự án đưa ra đã hoàn thành theo đúng tiến độ, thậm chí có những chỉ tiêu vượt xa so với mong đợi ban đầu.
Cụ thể, về sản xuất, 14/18 mô hình sản xuất cây ăn quả và rau sạch (gồm dưa thơm, cà chua, cải ăn lá) với tổng diện tích 55ha (8ha dưa thơm, 10ha cà chua, 37ha rau cải ăn lá) cho kết quả rất khả quan khi năng suất cây trồng tăng, hiệu quả kinh tế cao hơn 20%. Về tiếp thị và quảng bá sản phẩm, 18 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho gần 700 hộ và 6 lớp kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin cho 120 hộ tham gia mô hình đã được triển khai.
Trong đó, 8 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho hơn 240 nông dân, 4 lớp kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin cho 80 hộ và đang xây dựng kế hoạch triển khai các lớp tiếp theo trong thời gian tới. Đặc biệt, dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động cổng thông tin kết nối cung cầu (website kết nối) và ứng dụng (App) chạy trên nền tảng iOS và Android. Tổ chức 7 hội nghị tham quan, đánh giá mô hình tại các địa phương triển khai dự án với hơn 350 đại biểu tham dự và đang xây dựng kế hoạch triển khai 2 hội nghị với 100 đại biểu tại Hà Nội và Hưng Yên.
Điều đáng mừng nhất theo ông Ngọc là các thành viên của HTX đã tiếp cận và thao tác thành thục trên cổng thông tin kết nối cung cầu như tự thiết lập được tài khoản, đăng tải thông tin giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng… Tự tin tiếp thị và bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo hay TikTok; đồng thời đưa trực tiếp sản phẩm vào các hệ thông siêu thị như Winmart, Saigon Coop…, các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học cũng như các sàn thương mại điện tử.
Thời 4.0, đâu chỉ bán cho lực lượng “xe thồ”
Đứng ở góc độ chuyên môn, TS Phạm Văn Dân, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông cho rằng, thời đại 4.0 rồi nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Việc hỗ trợ nông dân vừa có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, vừa có thể tự mình kết nối giao thương, bán sản phẩm bằng công nghệ sẵn có (điện thoại thông minh/máy tính bảng…) là hết sức bức thiết.
Với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kết nối các cơ sở, cá nhân sản xuất nông sản chất lượng cao với người tiêu dùng, tạo thêm kênh tiêu thụ. Cụ thể, trong khuôn khổ của dự án, 100% sản phẩm thuộc mô hình trình diễn tại các HTX của dự án lên cổng để quảng bá, kết nối tiêu thụ. Kết quả bước đầu cho thấy, khoảng 70% lượng sản phẩm của dự án đã được kết nối tiêu thụ thông qua cổng này. Đáng chú ý, tại các vùng sản xuất rau chuyên canh của dự án, tình trạng sản xuất theo phong trào, bán sản phẩm qua đội quân xe thồ (thương lái nhỏ) đã chấm dứt.
Khi không còn phụ thuộc vào đội ngũ thương lái, giá trị của nông sản đã được nâng cao cả về giá trị lẫn giá cả. Được biết, tính đến ngày 30/11/2023, đã có 84 cơ sở sản xuất cung ứng sản phẩm trên cả nước, với 118 loại sản phẩm nông sản đã đăng tải trên cổng thông tin kết nối cung cầu của dự án cùng hơn 11.600 đơn hàng đã được ghi nhận. Xu hướng sản xuất, tiếp thị và tiêu nông sản sạch thời 4.0 theo mô hình của dự án đã chứng minh ưu điểm tại lễ tổng kết và đang được nhân rộng sang nhiều địa phương khác.