Một ngày sau khi ông Nhậm Chính Phi dự báo doanh thu sụt giảm 30 tỷ USD, lần đầu tiên Huawei tung ra chương trình bảo hành đặc biệt: hoàn tiền cho người dùng nếu các ứng dụng phổ biến như Facebook, Instagram, WhatsApp, YouTube và Gmail không hoạt động trong vòng 2 năm kể từ ngày mua điện thoại. Tuy nhiên, gói bảo hành này hiện chỉ được triển khai tại Philippines.
Đây là nỗ lực mới nhất của Huawei trong việc củng cố niềm tin đối với khách hàng và cải thiện doanh số bán ra đang có dấu hiệu suy giảm. Truyền thông địa phương đưa tin, các đại lý đang cung cấp gói bảo hành đặc biệt cho điện thoại Huawei bán ra đến tháng 8. Hãng đã xác nhận đây là một sáng kiến của các nhà phân phối tại Philippines.
Người dùng Philippines sẽ được hoàn tiền nếu điện thoại Android của họ không sử dụng được Google, Facebook. Ảnh: Bloomberg. |
Theo báo chí nước này, xuất hiện trình trạng người dùng đến các cửa hàng bán lẻ và nhà mạng yêu cầu trả lại điện thoại Huawei đã mua. Việc đó có thể tiếp tục xảy ra tại các thị trường khác trên thế giới.
Bloomberg dự báo doanh số smartphone Huawei tại thị trường quốc tế sẽ giảm 40-60%, thậm chí có thể gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc phải điều chỉnh lượng cung ứng model Honor 20 vừa ra mắt trong tháng 5.
Huawei giữ vị trí thứ hai về doanh số smartphone toàn cầu trong quý I/2019 trước khi Mỹ áp lệnh cấm vận. "Chúng tôi không ngờ Mỹ sẽ tấn công với quyết tâm cao và trên quy mô lớn như vậy", ông Nhậm nói trong cuộc trao đổi với truyền thông hôm 17/6.
Huawei phát triển liên tục trong khoảng một thập kỷ. Doanh thu của hãng lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2018. Thời kỳ hoàng kim đó có thể sẽ chấm dứt. Hành động của Mỹ có thể xóa sạch mọi tham vọng tăng trưởng trong năm nay và năm tới của tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Huawei "sẽ chứng kiến cuộc sống mới vào năm 2021", ông Nhậm Chính Phi chia sẻ sau khi thừa nhận doanh thu sẽ suy giảm. "Duy trì sự tiếp cận với người tiêu dùng là điều rất quan trọng đối với công ty trong giai đoạn này".
Tăng trưởng từ lĩnh vực kinh doanh điện thoại là động lực cho sự phát triển chung của Huawei trong năm 2018. Điều này tiếp tục diễn ra ổn định trước khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.
Giữa muôn trùng khó khăn, Huawei tuyên bố tự lực sản xuất linh kiện và phát triển phần mềm, dịch vụ cho điện thoại của mình. Tuy nhiên, rất khó dự báo kết quả khi nhà cung cấp điện thoại Android lớn thứ 2 thế giới mất quyền sử dụng hệ điều hành này.