Tại buổi khai mạc Hội nghị Huawei Connect 2023 với chủ đề “Tăng tốc trí thông minh”, bà Mạnh Vãn Chu - Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Luân phiên kiêm Giám đốc Tài chính của Huawei đã tiết lộ về chiến lược Trí tuệ Toàn diện (All Intelligence) của công ty.

Bà nhấn mạnh: “Huawei không ngừng nỗ lực để khai thác sâu vào nền tảng các công nghệ trí tuệ nhân tạo và xây dựng hệ thống điện toán xương sống vững chắc cho Trung Quốc, cũng là sự lựa chọn khác cho thế giới, nhằm hỗ trợ hàng loạt các ứng dụng và mô hình AI cho toàn ngành”. 

Bà Mạnh Vãn Chu - Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Luân phiên kiêm Giám đốc Tài chính của Huawei phát biểu tại Huawei Connect 2023.

Suốt hai thập kỷ qua, Huawei không ngừng hợp tác sâu rộng với toàn ngành để đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, khởi đầu với chiến lược “IP Toàn diện” (All IP) hỗ trợ thông tin hóa, tiếp theo là chiến lược “Đám mây Toàn diện” (All Cloud) hỗ trợ cho quá trình số hóa.

Giữa bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển và tác động liên tục đến ngành, Huawei đưa ra chiến lược “Trí tuệ Toàn diện” nhằm giúp tất cả các ngành nắm bắt tối đa mọi cơ hội chiến lược mới từ AI. 

Trọng tâm của chiến lược này là cung cấp lượng sức mạnh tính toán khổng lồ cần thiết để xây dựng các mô hình nền tảng cho các ngành khác nhau.

Bà Mạnh Vãn Chu cho biết, sắp tới, Huawei sẽ đi sâu vào các lĩnh vực sản phẩm và công nghệ mà họ có lợi thế vượt trội, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các khách hàng, các đối tác, các nhà phát triển và các bên liên quan để cung cấp các giải pháp công nghiệp tiên tiến, dễ dàng ứng dụng.

“Với sự hợp tác chặt chẽ, chúng ta có thể thúc đẩy an ninh kỹ thuật số và độ tin cậy cao hơn, đồng thời tăng tốc trí tuệ cho tất cả các ngành”, bà Mạnh phát biểu.

Nâng cao trải nghiệm người dùng trong kỷ nguyên số tại Việt Nam

5G hiện đang trong giai đoạn phát triển vượt bậc, ứng dụng rộng rãi vào mọi khía cạnh cuộc sống. Cơ sở hạ tầng mạng vững chắc là yếu tố tiên quyết để các ngành phát triển nhanh chóng và toàn diện hơn. Mong muốn song hành với sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam, quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như 5G của chính phủ và quá trình chuyển đổi số thông minh trong các ngành công nghiệp, Huawei Việt Nam giới thiệu giải pháp FTTR và công nghệ truyền dẫn Huawei DWDM 400Gbps có hiệu suất cao nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng mạng trong nước.

Theo đó, công nghệ DWDM (Công nghệ ghép kênh theo bước sóng mật độ cao) có tốc độ bước sóng 400Gbps, dễ dàng nâng cấp lên 800Gbps hay 1.2Tbps thông qua phần mềm, đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng về lưu lượng lớn trong thế hệ 5G và kỷ nguyên số tại Việt Nam.

Với sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển giải pháp mới, hệ thống DWDM của Huawei không chỉ có dung lượng cao, hoạt động ổn định mà ngày càng thân thiện môi trường, tối ưu chi phí cho mỗi đơn vị truyền dẫn và mức độ tiêu thụ điện năng giảm 30%, hệ thống cũng được nâng cao đảm bảo độ tin cậy đạt 99.999%.

Huawei FTTR (Cáp quang tới từng phòng) đã được triển khai ở nhiều nước phát triển, chứng minh được tính xu hướng tiếp theo của giải pháp cho dịch vụ băng rộng cố định của tương lai giúp gia tăng trải nghiệm WiFi-6 ổn định trong mọi môi trường vào mọi thời điểm.

Ngoài ra, giải pháp sử dụng sức mạnh tổng hợp của thiết bị đám mây để cải thiện chất lượng dịch vụ băng rộng của các nhà khai thác trên 3 khía cạnh: Trải nghiệm toàn quang, dịch vụ video và thực tế ảo mượt mà, vận hành và bảo trì thông minh.

Với kiến trúc P2MP đơn giản và triển khai dễ dàng, Huawei FTTR giúp giảm 30% lượng cáp quang cho mạng, cho phép phát triển lâu dài trong 30 năm và phạm vi truy nhập lên đến 2km.

Giải pháp có dung lượng cao, đảm bảo kết nối ổn định cho 300 người dùng, chuyển vùng liền mạch với độ trễ chuyển giao thấp chỉ 100ms.