Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương trong Hội thảo “Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện” thuộc Diễn đàn quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất, diễn ra ngày 14/9 tại Nam Định.

Lần đầu tiên Việt Nam xác định ngành công nghiệp số là công nghiệp nền tảng

Tại Nghị quyết 29 ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 tầm nhìn 2045, lần đầu tiên Việt Nam xác định ngành công nghiệp số là công nghiệp nền tảng. Theo ông Hiển, trong suốt gần 40 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam chỉ xác định các ngành luyện kim, cơ khí, công nghiệp vật liệu, hóa chất là công nghiệp nền tảng.

Gần đây, để đáp ứng yêu cầu mới và trong bối cảnh phát triển của cuộc CMCN 4.0, ngành công nghiệp công nghệ số là công nghiệp nền tảng vì một số lĩnh vực đã trở thành đầu vào của các ngành khác. Chẳng hạn, muốn trở thành ngành sản xuất thông minh phải cần đến IoT, dữ liệu.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.

Năm 2022, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ số giai đoạn 2015-2021 đạt bình quân 15,2%/năm, gấp hơn hai lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ ra, trong tổng thể doanh thu này, tỷ trọng của khu vực FDI rất lớn nhưng giá trị gia tăng (VA) không nhiều. Phần lớn, chúng ta vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, đặt ra yêu cầu về độc lập, tự chủ để tránh tổn thương trong giai đoạn phát triển và phải có cách tiếp cận phù hợp.

Nghị quyết 29 của BCH Trung ương đã có định hướng xây dựng chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc tập, tự chủ của ngành sản xuất Việt Nam nói chung, trong đó có lĩnh vực công nghiệp công nghệ số (Make In 2045). Chính phủ đang xây dựng chương trình hành động Nghị quyết 29.

Trong Nghị quyết 29, Bộ TT&TT đưa  vào nhiệm vụ xây dựng Luật công nghiệp, công nghệ số để có trọng tâm, trọng điểm thực hiện. 30% trong kinh tế số là ngành công nghiệp công nghệ số, 70% là ứng dụng công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực. Ông Hiển cho rằng, nếu không có lõi là 30% thì các định hướng khác đều khó.

Ngành công nghiệp công nghệ số bao gồm lĩnh vực viễn thông, phần cứng, phần mềm, dịch vụ xoay quanh Internet như nội dung số, nền tảng số, dữ liệu, điện toán đám mây. “Diễn đàn quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất” là hội thảo đầu tiên bàn luận về những vấn đề xung quanh để đưa ngành công nghiệp số thành công nghiệp nền tảng theo đúng định hướng mà Việt Nam đã nhận diện.

Cần lồng ghép chỉ tiêu phát triển kinh tế số vào chỉ tiêu phát triển của địa phương

Trong phiên thảo luận chiều 14/9, các đại biểu đã trao đổi ý kiến đóng góp và kiến nghị về mặt chính sách đối với cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ về vấn đề tự lực tự cường cũng như chính sách đầu tư cho R&D. Sau khi lắng nghe các tham luận và giải pháp, ông Nguyễn Đức Hiển tóm lược thành ba nhóm vấn đề chính.

Toàn cảnh hội thảo “Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện”.

Thứ nhất, đối với cơ chế, chính sách chung, "để ngành công nghiệp công nghệ số thực sự trở thành ngành công nghiệp nền tảng, phải lồng ghép chỉ tiêu về phát triển kinh tế số, trong đó có phát triển công nghiệp công nghệ số vào chỉ tiêu phát triển của địa phương cho đến cấp ủy, huyện, xã. Nếu không, địa phương, tỉnh ủy sẽ khôngcó cơ sở kiểm tra, giám sát cán bộ", Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.

Những địa phương có tiềm năng thế mạnh chung về phát triển công nghiệp công nghệ số, điều quan trọng là mạnh dạn đề xuất thí điểm mô hình mới như Nam Định. Theo ông Nguyễn Đức Hiển, đối với một số luật như Luật công nghiệp công nghệ số, Luật giao dịch điện tử, việc thể chế hóa bằng các Nghị định cần hoàn thiện sớm. Điều này đảm bảo hành lang pháp lý, nghị định thông thoáng để thúc đẩy các hoạt động.

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng nhà nước, cho biết Ngân hàng nhà nước đang đốc thúc để hoàn thiện Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP.

Về cơ chế đặt hàng của nhà nước, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải tiên phong chuyển đổi số, kết nối, liên thông dữ liệu, chuyển từ cơ chế mang tính định hướng ưu tiên thành ưu đãi trong các chính sách phát triển ngành công nghiệp công nghệ số cụ thể.

Về liên kết giữa các doanh nghiệp, nên có sự phân vai nhưng tạo liên kết. Theo ông Nguyễn Đức Hiển, "chúng ta phải tạo ra một hệ sinh thái có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không sẽ triệt tiêu động lực phát triển, đặc biệt là khu vực SME". Ngoài ra, cần rà soát lại cơ chế ưu đãi cho lĩnh vực phần mềm.

Thứ hai, cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Khâu nhận thức và tuyên truyền rất quan trọng. Những tỉnh chuyển đổi số tốt, chỉ số ICT Index tốt, người đứng đầu phải tiên phong. Về phía cơ quan quản lý cần có bộ hướng dẫn do nhiều địa phương chưa biết triển khai chuyển đổi số từ đâu, tiêu chí đánh giá ra sao vì đây là lĩnh vực rất mới, cần cập nhật thường xuyên.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đào tạo, phổ cập kỹ năng số; đặt ra áp lực tất cả cơ quan quản lý sử dụng nền tảng công nghệ, dịch chuyển dần. Nền tảng phải mở, đơn giản, dễ sử dụng.

Thứ ba, về định hướng, Việt Nam phải phát triển ngành công nghiệp dữ liệu. Nền tảng số được áp dụng nhiều trong lĩnh vực thanh toán, dịch vụ, thương mại điện tử nhưng trong lĩnh vực công nghiệp còn đang suy nghĩ. Ngược lại, phải có sản phẩm, công nghệ hướng đến thị trường trong nước (hộ gia đình, SME).

Chính sách hỗ trợ SME, chương trình đào tạo phải thay đổi cách thức. Phân định rõ chủ thể, cơ quan trong phối hợp, phát triển ngành công nghiệp.

Mai Vân Anh, Lê Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Hà Sơn, Nguyễn Hoàng Hiệp, Bùi Thị Thu Hiền