Động thái của hai công ty dẫn đầu thị trường tiếp nối hành động loại trừ Huawei khỏi mạng 5G từ một số đồng minh của Mỹ. Quan chức Mỹ đã thuyết phục các nước đồng minh rằng thiết bị Huawei có thể chứa “cửa hậu” để gián điệp mạng. Tờ Nikkei của Nhật còn đưa tin SoftBank cũng có kế hoạch thay thế thiết bị mạng 4G của Huawei bằng nhà sản xuất khác.
Huawei khẳng định các lo ngại về bảo mật là không có căn cứ. Căng thẳng được đẩy lên cao trào với vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu tại Canada vì nghi ngờ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Bà Mạnh mới đây đã được bảo lãnh tại ngoại nhưng vẫn bị giám sát.
CEO Orange Stephane Richard nói với các phóng viên tại Paris rằng sẽ làm việc với các đối tác truyền thống là Nokia và Ericsson. “Tôi hoàn toàn hiểu tất cả các nước, và cả nhà chức trách Pháp, đang lo lắng. Chúng tôi cũng vậy”. Đáp lại điều này, Huawei nói họ không phải nhà cung ứng mạng 4G của Orange tại Pháp và cũng không tham gia vào kế hoạch 5G. Huawei chỉ cung ứng mạng của Orange ở nước ngoài và có thể tham gia vào 5G.
Trong khi đó, Deutsche Telekom, hãng viễn thông lớn nhất Đức, cho biết đang đánh giá kế hoạch nhà sản xuất tại Đức và các thị trường châu Âu khác đang hoạt động do các tranh luận về an toàn thiết bị mạng Trung Quốc. Nhà mạng theo đuổi chiến lược nhiều đối tác, phụ thuộc vào cả Ericsson, Nokia, Cisco lẫn Huawei. Đây được xem là thay đổi quan trọng do quan chức Đức từng nói họ không nhận thấy lý do nào để loại trừ bất kỳ nhà sản xuất nào khỏi việc xây dựng mạng 5G trước các cảnh báo từ Washington.
Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters, xác nhận lập trường khi được hỏi về triển vọng của Huawei trong mạng 5G tại Đức. “Không có lo ngại nào về công ty nào cụ thể. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm, mỗi thiết bị phải an toàn nếu được sử dụng tại Đức”.
Dù vậy, gần một nửa doanh thu của Deutsche Telekom lại đến từ T-Mobile, nhà mạng đang hoạt động ở Mỹ. T-Mobile đang hi vọng được Mỹ chấp thuận để thâu tóm Sprint nhằm trở thành đối thủ cạnh tranh tốt hơn trước bộ đôi Verizon và AT&T. Theo một nguồn tin của Reuters, dường như đây là động thái nằm trong chiến lược hướng tới chính phủ Mỹ về thương vụ với Sprint.
Các nhà mạng Đức khác vẫn tiếp tục thảo luận với các đối tác Trung Quốc trong khi chuẩn bị hồ sơ đấu giá giấy phép 4G của Đức vào đầu năm 2019. Telefonica Deutschland, hãng viễn thông lớn thứ ba tại đây, cho biết đang theo dõi tình hình sát sao nhưng không tham dự vào các suy đoán hiện tại. United Internet, “lính mới” của thị trường viễn thông Đức, cũng đang cân nhắc đấu giá giấy phép 5G. Công ty đã đàm phán với hai nhà sản xuất về chiến lược, một trong số đó là từ Trung Quốc. Theo báo chí, đó chính là ZTE.
Các nhà phân tích cho rằng nhà mạng Đức phụ thuộc chủ yếu vào Huawei, đồng nghĩa với việc rất khó để loại bỏ và thay thế thiết bị hiện có hoặc hoạt động mà không có Huawei trong xây dựng 5G. Ông Hans Schotten của Đại học Kỹ thuật Kaiserslautern nhận định: “Nếu các công ty Trung Quốc bị loại trừ, điều này sẽ giảm số lượng nhà sản xuất và đẩy chi phí lên cao hơn. Vì lý do đó, nhiều nhà mạng sẽ lưỡng lự nếu không có Huawei”.