Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có có tổng cộng 16.268 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 198.396 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2023 có 1.390 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký mới đạt 22.810 tỷ đồng.

Với số lượng doanh nghiệp đông đảo với quy mô và loại hình hoạt động đa dạng, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng chân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, tỉnh Hưng Yên đã chủ động có những chính sách nhằm hỗ trợ pháp lý, giải đáp mọi thắc mắc để các doanh nghiệp này yên tâm sản xuất kinh doanh đúng pháp luật.

kcn yen my hung yen.jpeg
Riêng trong năm 2023, tỉnh Hưng Yên có 1.390 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đình Chung cho biết, Sở đã kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch… theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; trong đó chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về đẩy mạnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, nhất là các Chỉ số thành phần thuộc nhiệm vụ của ngành Tư pháp.

Đối với Chỉ số về Tính minh bạch, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản QPPL, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp,...

Đồng thời, đôn đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh kịp thời cập nhật văn bản QPPL chuyên ngành lên Trang thông tin điện tử của từng sở, ngành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu khi có nhu cầu.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhất là các lĩnh vực liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp như: tài chính, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư, cấp giấy phép, quy hoạch, xây dựng; công nghiệp; giao thông; lao động, việc làm… nhằm phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo hoặc những quy định không còn phù hợp với tình hình KT-XH để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp.

Thực hiện các quy định, đề án của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, từ nhiều năm nay, tỉnh Hưng Yên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các tài liệu, dịch vụ công phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên nắm bắt các phản ánh, kiến nghị hoặc những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiếp cận các nội dung trong chỉ tiêu thành phần tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì, để kịp thời phối hợp với các đơn vị giải quyết hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Năm 2022, Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự của tỉnh Hưng Yên đạt 8,03 điểm (nhóm tốt) và nằm trong top 10 cả nước. Ngành Tư pháp tỉnh Hưng yên xác định mục tiêu: Luôn đồng hành, cởi mở, hỗ trợ và phục vụ tích cực người dân - doanh nghiệp nhanh nhất, chính xác nhất, hiệu quả nhất.

Để cải thiện hiệu quả chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, căn bản phải tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về chỉ số PCI; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đúng nội dung, đảm bảo tiến độ, thời hạn và hiệu quả.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, thời gian tới, UBND tỉnh Hưng Yên nói chungvaf Sở Tư pháp nói riêng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Qua đó, mỗi công chức, viên chức đều có thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trên nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đóng góp cho sự nghiệp phát triển toàn diện của địa phương.

Hoàng Hiệp và nhóm PV, BTV