I. Những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến nào thuộc nhóm G1?

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử) là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi điện tử.Theo đó các doanh nghiệp sẽ phải tuân theo nguyên tắc phân loại trò chơi điện tử mà pháp luật đã quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, các trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1) đồng nghĩa với việc tất cả các doanh nghiệp cung cấp game online hiện nay như webgame, game client, game mobile online đều thuộc nhóm này.

II. Giấy phép có cần thiết hay không?

Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang “chữa cháy” việc ngừng cấp phép game online từ năm 2010 bằng việc tiếp tục phát hành các trò chơi trực tuyến dưới dạng chưa có phép. Tuy nhiên, với việc mở cửa trở lại việc cấp phép, hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trong khi chưa có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử của các doanh nghiệp đã vi phạm Khoản 2, Điều 31 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng.

Như vậy, các doanh sẽ đứng trước nguy cơ xử phạt nhẹ thì là hành chính và yêu cầu bổ sung giấy phép còn nặng sẽ yêu cầu đóng cửa dịch vụ ngay lập tức.

III. Quy trình xin cấp phép dịch vụ trò chơi trực tuyến G1 ra thị trường

Căn cứ vào quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Thông tư 24 /2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và  Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Quý Công ty, để có thể cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyên  G1 ra thị trường Quý Công ty cần phải thực hiện các bước thủ tục sau:

Bước 1: Xin cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 tại Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông.

1. Điều kiện để được cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP:

a. Về doanh nghiệp:

- Là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký kinh doanh ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam để thực hiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng theo quy định tại Nghị định này và quy định về đầu tư nước ngoài.

- Có đội ngũ nhân sự quản trị trò chơi điện tử phù hợp với quy mô hoạt động.

- Có nhân sự tốt nghiệp đại học trở lên chịu trách nhiệm về quản lý hoạt động cung cấp trò chơi điện tử.

- Có hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử cho tất cả các trò chơi của doanh nghiệp bảo đảm đáp ứng các điều kiện cụ thể.

b. Về hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử cho tất cả các trò chơi của doanh nghiệp:

- Có khả năng lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của người chơi theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

- Hệ thống quản lý thanh toán cho các trò chơi điện tử của doanh nghiệp phải đặt tại Việt Nam và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán của Việt Nam, bảo đảm cập nhật, lưu trữ chính xác, đầy đủ và cho phép người chơi có thể tra cứu được thông tin chi tiết về tài khoản thanh toán của mình;

- Quản lý thời gian chơi của người chơi từ 00h00 đến 24h00 hàng ngày và bảo đảm tổngthời gian sử dụng tất cả các trò chơi điện tử G1 của một doanh nghiệp đối với mỗi người chơi dưới 18 tuổi không quá 180 phút trong 24 giờ mỗi ngày;

- Hiển thị được kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo trò chơi, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị của người chơi trong suốt quá trình chơi.

- Có phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người chơi.

- Có biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý nội dung diễn đàn trò chơi (nếu có), tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.

- Có phương án dự phòng về thiết bị và kết nối, phương án sao lưu dữ liệu để bảo đảm an toàn hệ thống khi có sự cố xảy ra.

- Có phương án bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bí mật thông tin cá nhân của người chơi.

2. Cách làm:

- Chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các tài liệu chứng minh điều kiện của công ty đáp ứng được điều kiện ở mục 1 nêu trên có công chứng gồm:

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty (3 bản)

Giấy chứng nhận đăng ký tên miền (còn thời hạn sử dụng ít nhất là 06 tháng) (3 bản)

Bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương của người chịu trách nhiệm quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử (2 bản sao có chứng thực/1 người)

Sơ yếu lý lịch người chịu trách nhiệm quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử (có xác nhận cơ quan có thẩm quyền, có ảnh và dấu giáp lai) (3 bản gốc/1 người)

Giấy giới thiệu: Người đứng đầu tổ chức đề nghị cấp phép ký và đóng dấu của Công ty. (3 bản)

Đề án cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử: Người đứng đầu tổ chức đề nghị cấp phép ký và đóng dấu của Công ty. (3 bản)

Văn bản đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1: Người đứng đầu tổ chức đề nghị cấp phép ký và đóng dấu của Công ty. (3 bản)

Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính cho Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử)

Bước 2: Xin phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi G1 tại Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông

1. Điều kiện để được phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 :

a. Về nội dung

- Trò chơi điện tử có nội dung kịch bản không vi phạm các quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này; kết quả tự phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi của doanh nghiệp phù hợp với nội dung, kịch bản trò chơi theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

b. Về đội ngũ quản lý

- Có nhân sự tốt nghiệp từ đại học trở lên quản lý nội dung trò chơi và diễn đàn người chơi.

- Có phương án kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Cung cấp và hiển thị liên tục thông tin về kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi; thông tin khuyến cáo “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại nơi dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị trong quá trình chơi;

Quản lý hội thoại người chơi theo quy định của pháp luật về quản lý mạng xã hội tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/TT-BTTTT ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.

b. Về biện pháp quản lý thông tin tài khoản của người chơi đáp ứng yêu cầu sau đây:

Kết nối trực tiếp đồng bộ với hệ thống quản lý thông tin cá nhân của người chơi;

Kết nối trực tiếp đồng bộ với hệ thống thanh toán dịch vụ trò chơi chung của doanh nghiệp;

Lưu trữ đầy đủ, cập nhật liên tục, chính xác thông tin về quá trình sử dụng dịch vụ của người chơi bao gồm: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, các thông tin có liên quan đến việc sở hữu vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng của người chơi.

c. Có phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn hệ thống khi có sự cố xảy ra.

2. Cách làm:

1. Đơn đề nghị phê duyệt nội dung, kịch bản theo Mẫu số 3, kèm theo cam kết của doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Điều 34 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

2. Bản sao Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 còn thời hạn tối thiểu 01 (một) năm.

3. Sơ yếu lý lịch nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung trò chơi điện tử có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng nhận bản quyền hợp pháp và văn bản thỏa thuận cho doanh nghiệp được phát hành trò chơi điện tử tại Việt Nam. Trường hợp giấy tờ chứng nhận và văn bản thỏa thuận bằng tiếng nước ngoài phải dịch sang tiếng Việt có chứng thực.

5. Mô tả chi tiết nội dung, kịch bản trò chơi điện tử bao gồm các thông tin sau đây:

a) Tên, nguồn gốc, xuất xứ của trò chơi điện tử;

b) Chi tiết kịch bản, nội dung trò chơi; hệ thống nhân vật, hệ thống nhiệm vụ, bản đồ (sơ đồ); hệ thống vật phẩm ảo, đơn vị ảo, dịch vụ, điểm thưởng; hoạt động tương tác, hoạt động đối kháng giữa các nhân vật với nhau; hình thức thu phí, phiên bản phát hành;

c) Phương pháp và kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi của doanh nghiệp.

6. Phương án kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 17 Thông tư bao gồm các nội dung sau đây:

a) Sơ đồ chi tiết hệ thống thiết bị cung cấp trò chơi điện tử;

b) Địa chỉ cụ thể nơi đặt hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ và tên doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ (trong trường hợp thuê chỗ đặt máy chủ);

c) Mô tả chi tiết hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ cả phần chính và phần dự phòng bao gồm: tên, chức năng, cấu hình dự kiến của từng thiết bị;

d) Mô tả biện pháp để hiển thị liên tục thông tin về kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi; thông tin khuyến cáo “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” trên diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị trong quá trình chơi;

đ) Mô tả chi tiết hệ thống quản lý thông tin tài khoản của người chơi.

7. Thiết bị ghi lại các hình ảnh, hoạt động, âm thanh đặc trưng trong trò chơi: hình ảnh một số tuyến nhân vật, hình ảnh một số vật phẩm, đồ trang bị cho nhân vật; hình ảnh, hoạt động nhân vật đang làm nhiệm vụ chủ yếu ở 5 cấp độ cao nhất (nếu có); hoạt động đặc trưng (ví dụ: hành động đối kháng) giữa các nhân vật với nhau.

Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính cho Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Theo GameSao.vietnamnet.vn