Dưới đây là một số tình huống thường gặp nhất trên đường với người dùng ô tô cũ.

Bốc khói, sôi nước làm mát dưới nắp ca-pô

Anh Nguyễn Quang Tuấn (Thành Công, Hà Nội) kể lại về trường hợp chiếc Mazda Premacy đời 2004 của mình gặp sự cố khi anh cho người bạn mượn đi chơi núi Ba Vì. Khi xe leo được nửa đường lên đỉnh Ba Vì thì người bạn gọi video về cho anh để hỏi về hiện tượng xe đang đi thì máy ì, khói bốc từ nắp ca-pô và có nước màu xanh chảy xuống gầm.

Qua hình ảnh nhìn thấy, anh Tuấn biết rằng người bạn đã để xe chạy quá nóng khi liên tục nhồi ga ở vòng tua máy cao, không để ý đồng hồ đo nhiệt độ động cơ. Đây là hiện tượng thường gặp nhất với các xe ô tô đời cũ ít bảo dưỡng hoặc người chạy đường đèo núi, dốc cao không có kinh nghiệm. 

W-448576047_8130035053695551_761865533099540575_n (1).jpg
Chiếc Mazda Premacy 2004 gặp sự cố sôi và chảy nước làm mát khi leo núi Ba Vì. Ảnh: Quang Tuấn

Theo kỹ sư Nguyễn Xuân Hà, chủ gara Xuân Hà (Đồng Tháp, Hà Nội), nước làm mát có chức năng “giải nhiệt” cho động cơ ô tô, làm mát máy, giúp xe vận hành ổn định. Để ô tô sôi nước làm mát có nghĩa là chức năng giải nhiệt đã không còn, khi động cơ ô tô bị quá nhiệt có thể gây hại xấu cho các bộ phận bên trong xe, nhẹ thì thổi gioăng mặt máy, nặng có thể phải "bổ máy" để làm lại. 

Kỹ sư Hà khuyên người dùng ô tô cũ cần thường xuyên để ý đồng hồ đo nhiệt độ động cơ, nếu thấy kim đồng hồ tăng cao cần cho xe dừng lại rồi kiểm tra mực nước làm mát còn trong bình phụ. Tuyệt đối không nên mở ngay nắp két nước làm mát khi mới dừng xe để tránh trường hợp nước sôi to bắn văng vào người. Nên tắt máy và đợi xe nguội khoảng 20 phút. Tuyệt đối không được châm thêm nước làm mát hoặc nước lọc khi động cơ còn quá nóng để tránh các bộ phận kim loại của động cơ bị biến dạng, cong vênh, hư hỏng do chênh lệch nhiệt độ.

Để hạn chế bị sôi nước làm mát trên đường đối với xe cũ, ngoài việc bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra két nước, các đường ống không bị rò rỉ thì quá trình lái xe, tài xế không nên chạy với vòng tua máy cao quá lâu. Khi leo dốc, đèo cần chuyển số và lấy đà hợp lý, nếu cảm thấy xe yếu thì nên tắt bớt điều hòa để động cơ giảm tải.

Nổi đèn "cá vàng"

Đèn "cá vàng" hay đèn báo lỗi động cơ - Check engine bật sáng là hiện tượng hay gặp trên một số xe đã sử dụng trên 5 năm. Khi gặp tình huống thấy đèn này bật sáng trên bảng tap-lô, tài xế vẫn có thể đi tiếp nhưng cần để ý về âm thanh hay mùi xuất hiện trong quá trình lái xe. Nếu xe có tiếng gõ hoặc mùi khét thì không nên di chuyển tiếp bởi nhiều khả năng đã xảy ra sự cố nặng liên quan đến động cơ.

nhung loi.jpeg
Biểu tượng đèn "cá vàng" xuất hiện trên màn hình tap-lô. Ảnh: Autoblog

Các chuyên gia ô tô cho rằng, khi có đèn báo thì tài xế nên sớm cho xe vào gara để kiểm tra, vì nhiều khả năng một (hoặc vài) bộ phận nào đó liên quan đến động cơ đang gặp vấn đề.

Có rất nhiều nguyên nhân với các mức độ khác nhau dẫn đến việc đèn báo lỗi động cơ sáng như: Hỏng dây cao áp, bộ chia điện; hỏng bu-gi; hỏng cảm biến đo gió, cảm biến ô-xy; hỏng van hằng nhiệt; hỏng bộ lọc khí thải,…

Đối với các xe cũ đã sử dụng trên 10 năm, lỗi có thể đến từ bất cứ đâu. Nếu như hỏng hóc đến từ bộ phận cấp điện như dây cao áp, bu-gi thì chiếc xe sẽ có hiện tượng như khó khởi động, máy yếu, bỏ máy, xe rung giật,… Nếu lỗi đến từ các bộ phận khác thì có thể làm cho bộ điều khiển tính toán sai, khiến động cơ làm việc không hiệu quả, tốn nhiên liệu.

Xe đang đi thì "chết" máy, không khởi động lại được

Đây là tình huống đáng sợ nhất với các tài xế ít kinh nghiệm bởi việc bỗng dưng không thể đề nổ hoặc "chết máy" giữa đường sẽ ngay lập tức khiến tinh thần dễ bị hoảng loạn. Khi gặp phải trường hợp như vậy, bạn nên có từng bước kiểm tra để loại trừ nguyên nhân.

Đầu tiên phải kiểm tra ắc-quy. Mở nắp ca-pô và quan sát cũng như kiểm tra bằng tay để chắc chắn đầu dây hai điện cực (-), (+) được gắn chắc không lỏng lẻo hay tuột ra. Nếu thấy đầu kẹp ắc quy có bọt hoặc bột khô màu trắng, cho thấy đây là hiện tượng kết tủa hóa chất làm giảm khả năng tiếp xúc của dây đồng. Bạn cần vệ sinh bằng cách tháo các đầu điện cực và dùng bàn chảy đánh sạch, hoặc có thể vệ sinh bằng đổ nước nóng trực tiếp rồi lau sạch.

ac quy bi sui.jpg.jpg
Bề mặt điện cực trên ắc-quy kết tủa bột màu trắng xanh. Ảnh: Ắc-quy Trung Nguyên

Để kiểm tra sức khỏe của ắc-quy, tài xế nên dùng đồng hồ đo điện. Nếu ắc-quy còn tốt, khi sạc đầy sẽ có điện áp khoảng 12,6 Volt trở lên. Nếu điện áp không đủ, có thể nhờ câu điện từ một xe ô tô khác để nổ máy hoặc dùng bộ kích điện cầm tay.

Trường hợp nếu khởi động lại được máy, lúc này cần kiểm tra đến máy phát. Ô tô dùng điện từ ắc-quy để khởi động xe và khi xe đang chạy, máy phát điện trên ô tô lại sạc lại điện cho ắc quy. Nếu máy phát điện gặp trục trặc dễ dẫn đến điện áp sạc quá cao hoặc quá thấp, đều khiến ắc-quy nhanh bị hỏng hoặc tụt điện áp. 

Để kiểm tra máy phát, bạn để xe hoạt động ở chế độ không tải rồi kẹp đồng hồ đo điện vào 2 đầu cực ắc quy, nếu máy phát điện hoạt động bình thường bạn sẽ đo được điện áp khoảng 13.1 Volt đến 14.6 Volt. Điện áp cao hoặc thấp hơn giá trị này đều có nghĩa là máy phát điện đang gặp vấn đề, nên sớm tìm ga-ra gần nhất để thay hoặc sửa chữa.

Phanh không ăn, bó phanh

Phanh (thắng) là bộ phận quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lái và an toàn của xe. Nếu phanh không ăn, độ nhạy kém, nguyên nhân có thể là do đường dầu hoặc khí của hệ thống phanh bị rò rỉ; pít-tông bánh trước bị bó thường ở phanh đĩa; bầu trợ lực hơi và phớt giữa tổng trên bị hỏng; cup-pen phanh bị hỏng; dây phanh tay bị đứt hoặc bị bó; má phanh quá mòn,…

Trong trường hợp này, cần chỉnh lại hành trình bàn đạp phanh; siết chặt lại các đầu khớp nối; thay thế các đệm; xả khí lẫn trong dầu phanh; thay thế bầu trợ lực và phớt giữa tổng trên; thay cup-pen, dây phanh và má phanh mới.

Trường hợp xe bị bó phanh có thể do phanh tay điều chỉnh sai; lò xo kéo hoặc lò xo hồi vị má phanh bị hỏng; xi-lanh phanh chính bị hỏng; khi bị nước ngập do khớp nối tang trống phanh tay bị sét gỉ dẫn đến bó phanh; do khô dầu hoặc nước vào.

Để khắc phục, cần điều chỉnh lại hành trình bàn phanh; điều chỉnh lại tay phanh; thay lò xo kéo ở cơ cấu phanh; thay thế xi lanh bánh xe; thay thế xi lanh bánh chính; tháo khớp nối và bảo dưỡng bằng cách đánh rỉ sét phần khớp tang trống; đánh sạch và cho thêm dầu, mỡ cho phù hợp.

Nhao lái, cảm thấy vô-lăng rung

Trên đường di chuyển, nếu bạn nhận thấy hướng xe bị lệch (nhao lái) và khó khăn để giữ nó đi đúng làn đường, vô-lăng rung thì cần tấp xe vào lề để kiểm tra. Nguyên nhân có thể đến từ lốp xe bị mòn hoặc gặp sự cố thủng, rách, mất hơi ở một bên bánh xe nào đó. 

Trường hợp lốp xe bị non hơi hoặc mất hơi quá nửa, nên tiến hành thay lốp dự phòng và sớm tìm đến một trung tâm lốp xe gần nhất để kiểm tra. Trong tình huống này, việc xe trang bị thêm cảnh báo áp suất lốp sẽ rất hữu ích để nhận cảnh báo sớm khi một trong số các lốp xe không đủ tiêu chuẩn vận hành.

Nếu loại trừ được nguyên nhân đến từ lốp xe, hiện tượng trên có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác như: Hết dầu trợ lực, các bộ phận lái bị mòn hoặc chiếc xe đã từng bị đâm đụng, va chạm ảnh hưởng đến thước lái. Để khắc phục, bạn chỉ có cách phải đưa xe đi kiểm tra, cân chỉnh lại thước lái ô tô tại những cơ sở uy tín hoặc đầy đủ trang thiết bị.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên?  Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Những lưu ý khi mua xe cũ đã chạy nhiều kmSố km đã đi không phải là yếu tố duy nhất bạn nên cân nhắc khi mua xe cũ. Lịch sử bảo dưỡng xe, phong cách lái xe, thiết kế và môi trường lái xe đều có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe.