- Trong một buổi nói chuyện đầu năm về pháp luật và kỹ năng sống mới đây của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), chỉ có 5 trong tổng số 600 sinh viên tham dự khiến người hướng dẫn hụt hẫng.
595 sinh viên... mất hút
Người chia sẻ điều này trên trang cá nhân là ông Vũ Tuấn Anh, người hay tổ chức các khoá đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.HCM.
Ông Vũ Tuấn Anh nói rằng mình “vừa viết vừa muốn khóc” về sự kiện sinh hoạt công dân vào sáng ngày 7/10 vừa qua, với chủ đề về luật pháp và kỹ năng sống do Trường ĐH Khoa học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức.
Trời mưa, giảng đường vắng hoe vì sinh viên không tới (Ảnh: facebook anh Tuấn Anh) |
"Giảng viên phải dậy sớm từ 5h sáng để chạy từ TP.HCM lên Thủ Đức rất xa dù trời mưa, thế nhưng, khi giảng viên tới thì 600 sinh viên đáng lẽ có mặt nhưng chỉ có 5 bạn sinh viên đến. Vì trời mưa nên 595 bạn kia tự cho mình quyền nghỉ khỏi tới lớp mặc kệ giảng viên. Và sau đó, từng bạn trong 5 bạn kia cũng lặng lẽ như những người tình rời bỏ giảng đường về luôn".
Khi VietNamNet hỏi thêm về tình huống này, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng cốt lõi của quá trình học đại học là biến đổi từ một người không biết gì tới biết mọi việc là học, hiểu, hành, hoàn thiện. Trong quá trình này người học rất cần có tư duy luôn chủ động và chịu trách nhiệm.
"Việc sinh viên không lên giảng đường không chỉ xuất phát từ việc lười, thụ động mà còn không biết chắt lọc những cái nhỏ nhất thành những cái lớn. Đây cũng là dấu hiệu về tư duy nghề nghiệp sau này".
Theo ông Tuấn Anh, hiện nay nhiều sinh viên tỏ ra không lo lắng, cho rằng khi đi học chỉ cần như vậy nhưng đến lúc đi làm sẽ chuẩn ngay. Nhưng sinh viên không biết rằng những điều các bạn cần là kiến thức, thái độ, tư duy, trong khi đó nhà trường chỉ cung cấp kiến thức, còn tư duy, thái độ tích cóp từ những buổi học ngoại khóa như vậy.
“Một dân tộc muốn thành công thì phải có kỷ luật. Các bạn trẻ muốn thành công thì cũng phải có kỷ luật và kỷ cương” – ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Sinh viên đã đăng ký online
Thực tế, từ khoảng 6h sáng ngày 7/10, tại TPHCM xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài đến gần trưa.
Mưa lớn đổ xuống khắp các quận huyện ở TPHCM. Sau khoảng 1 giờ, nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Có những khu vực mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao khiến nước ngập lênh láng, nhiều xe lưu thông qua đây bị chết máy.
Tại nhiều điểm, đến 10h mưa vẫn chưa dứt.
Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết đây là buổi học kỹ năng tự nguyện cho sinh viên. Sau khi Phòng Công tác sinh viên thông báo, có 600 sinh đăng ký online để tham dự. Tuy nhiên, hôm diễn ra buổi học trời mưa rất to nên chỉ có 5-6 sinh viên tới dự, vì vậy buổi học đã không thể tiến hành được.
Bà Loan nhìn nhận đây là lỗi sai của sinh viên, và Phòng công tác sinh viên sẽ chấn chỉnh việc này. Bà cũng nói thêm về việc nhiều người chỉ trích nặng lời sinh viên trên mạng xã hội:
“Các em đã sai, nhưng còn trẻ; người lớn nên bao dung để các em biết cách sửa chữa”.
“Hiện nay, sinh viên thường không quan tâm đến các chương trình sinh hoạt kỹ năng ở năm đầu, vì các em chưa thấy tầm quan trọng của nó. Đặc biệt là do thói quen đi học theo thời khóa biểu chứ không phải tự giác, nên nhiều em thấy lịch nhưng không có trong thời khóa biểu bắt buộc thì không đi. Vì vậy, nhiều trường đã đưa nội dung này vào thời khóa biểu và có tính điểm rèn luyện, để đến các đợt sau các em sẽ tự giác hơn” - giảng viên cho biết.
Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý rằng cũng cần xem lại việc giảng dạy của giảng viên có thực sự thu hút sinh viên hay không, vì nhiều bài giảng khiến sinh viên cảm thấy rất nhàm chán. Do vậy, để thu hút sinh viên thì người dạy cũng cần có phương pháp hiệu quả, tạo động lực học tập cho sinh viên. "Đôi lúc, động lực có thể đơn giản là thầy vui vẻ, trẻ hoặc dạy dễ hiểu và có nhiều ví dụ thực tế".
"Khi tôi làm một cuộc khảo sát về vai trò của giảng viên, rất nhiều người nói rằng dạy kỹ năng không phải việc của họ, họ chỉ dạy kiến thức. Chính điều này hình thành nên những giảng viên lên lớp là... ru ngủ sinh viên, cũng chính họ lại hài lòng với biệt danh "tiến sĩ gây mê" mà sinh viên đặt cho" - Ông Vũ Hồng Vận, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM nói trong một hội thảo. |
Lê Huyền