Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vừa công bố  Nghị quyết HĐQT về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 với một nội dung đáng chú ý là tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn.

Trước đó, vào cuối 2018, Vietcombank của ông Nghiêm Xuân Thành đã phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu VCB với giá 55.510 đồng/cp cho ngân hàng Nhật Bản Mizuho và quỹ GIC từ Singapore thu về gần 6,2 ngàn tỷ đồng.

Đây là một thương vụ lớn giúp Vietcombank gia tăng quy mô vốn và củng cố vị thế số 1 trong hệ thống ngân hàng nhưng chưa được như kỳ vọng của những người lãnh đạo ngân hàng TMCP nguồn gốc nhà nước này.

Số cổ phiếu bán riêng lẻ trong 2018 chỉ bằng 30,88% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán, tương đương mức hụt thu khoảng 13-14 ngàn tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD).

Theo nội dung ĐHCĐ, Vietcombank sẽ có tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ 2019 và tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2018. Nhiều khả năng, Vietcombank sẽ tiếp tiếp đợt phát hành riêng lẻ hoặc phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu hay chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Tính đến cuối 2018, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 20 ngàn tỷ đồng và khoảng 5 ngàn tỷ đồng từ thặng dư bán riêng lẻ cổ phiếu với giá cao hơn mệnh giá.

{keywords}
Vietcombank tiếp tục tăng vốn.

Tăng vốn là một yêu cầu cấp bách đối với nhiều ngân hàng trong hệ thống dưới áp lực phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị các kiều kiện đáp ứng chuẩn mực Basel II. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ước tính, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8-2 lần so với thời điểm cuối 2018 mới có thể đáp ứng quy định. Trong năm 2019, theo tính toán của Moody’s, nếu muốn duy trì tỷ lệ cho vay tăng trưởng, các ngân hàng cần thêm khoảng 7 tỷ USD vốn cấp 1.

Áp lực tăng vốn buộc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động thưởng cổ phiếu, chia cổ tức, phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược như trường hợp của Vietcombank.

Nhiều ngân hàng trong hệ thống, trong đó có Vietcombank, BIDV, Agribank,... đã nhiều lần đề xuất cho phép các ngân hàng được chi trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt và được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, giữ lại thặng dư.

Cuối 2018, nhiều ngân hàng đã phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động thêm nguồn đầu vào đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm. Hoạt động này đã phần nào tác động đến mặt bằng lãi suất. 

Trước đó, trong hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Thủ tướng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đã làm việc với Bộ Tài chính về kế hoạch ngân sách và bàn với cơ quan Quốc hội về phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức sau khi NHNN báo cáo về tình trạng thiếu vốn đang "cấp bách hơn bao giờ hết".

Trong năm 2018, Vietcombank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục, đứng số 1 toàn ngành, bằng cả ngân hàng đứng thứ 2 và thứ 3 cộng lại. Vietcombank có lợi nhuận hợp nhất 2018 đạt 18.356 tỷ đồng, thực hiện đạt 138% kế hoạch do đại hội cổ đông đề ra và tăng 62% so với 2017.

{keywords}
Trong năm 2018, Vietcombank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục

Năm 2019, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 12%, tương ứng với quy mô khoảng 20.500 tỷ đồng. Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng trên 60% như năm 2018, Vietcombank sẽ sớm đạt quy mô lợi nhuận tỷ USD ngay trong năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu trụ cột bật tăng theo những tín hiệu tích cực từ chứng khoán Trung Quốc và thế giới. VN-Index vượt ngưỡng 960 điểm. Thanh khoản cải thiện đáng kể.

Bộ 3 cổ phiếu nhà ông Phạm Nhật Vượng Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail tăng mạnh, giúp kéo hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tăng mạnh. GAS, PVD, PVS đều tăng từ 3,1-4,7%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và blue-chips như Vietcombank, BIDV, Vinamilk, Hòa Phát… cũng tăng giá.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.

Theo BVSC, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm và tiến đến thử thách vùng kháng cự quanh 966 điểm. Áp lực bán chốt lời dự kiến sẽ gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu, qua đó có thể khiến thị trường chung chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh tại vùng cản này.

Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ luân phiên tăng điểm. Dòng tiền được dự báo sẽ tiếp tục luân phiên dịch chuyển vào các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang điều chỉnh tích lũy thuộc các nhóm ngành dầu khí, ngân hàng, xây dựng và bất động sản,... để tìm kiếm lợi nhuận. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho các hoạt động mua trading nâng tỷ trọng cổ phiếu cho danh mục. Tỷ trọng tổng danh mục giai đoạn này nên được duy trì ở mức tối đa 60-70% cổ phiếu.

Theo KIS, xu hướng tăng chiếm ưu thế trong ngắn hạn khi VN-Index đi lên vượt đường MA200 và kiểm định lại đỉnh tháng 12/2018. Rủi ro điều chỉnh ở mức thấp và dòng tiền đi vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/2, VN-Index tăng 10,41 điểm lên 961,3 điểm; HNX-Index tăng 0,72 điểm lên 106,84 điểm. Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 55,26 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 240 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.

H. Tú