Huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) có trên 74 đảo lớn, nhỏ, được ví là “viên ngọc quý” vùng biển đảo Đông Bắc, với nhiều lợi thế để phát triển nền kinh tế biển tổng hợp gắn với bảo tồn sinh thái, đảm bảo an ninh, chủ quyền biển đảo theo Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

bien dao co to.jpg
Cô Tô được ví là “viên ngọc quý” vùng biển đảo Đông Bắc.

Vùng biển Cô Tô có gần 200 loài thực vật, hơn 60 loài động vật, gần 100 loài động vật đáy, trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư, ốc nón, hải sâm, ngọc trai...; có hệ sinh thái san hô ở Cô Tô phát triển rộng lớn ở độ sâu 10-20m, gồm 70 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như san hô đỏ, san hô sừng; có nguồn cá phong phú với những loài cá có giá trị kinh tế cao… Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi để Cô Tô phát triển kinh tế biển tổng hợp như khai thác gần bờ, đánh bắt xa bờ, thu mua và chế biến hải sản.

Với lợi thế về ngư trường rộng lớn và nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao, khai thác hải sản từ lâu đã là sinh kế chủ yếu của người dân trên huyện đảo. Nghề khai thác thủy, hải sản ngày càng phát triển; tổng sản lượng khai thác thủy sản và doanh thu từ nghề cá không ngừng gia tăng. Theo đó, giai đoạn 2010-2015, sản lượng đánh bắt bình quân đạt hơn 9.916 tấn, doanh thu bình quân 442 tỷ đồng. Riêng năm 2022, sản lượng đánh bắt đạt 6.110 tấn, doanh thu đạt 460 tỷ đồng.

Tại vùng biển đảo Trần luôn có khoảng 60-80 thuyền đánh cá với hàng nghìn ngư dân từ 8 địa phương ven biển trong tỉnh từ Móng Cái đến Quảng Yên và nhiều tỉnh khác: Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi... đến khai thác và đánh bắt thủy sản tạo ra nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá. 

Cụm đảo Cô Tô - Thanh Lân bao quát vùng biển rộng lớn có thể kiểm tra, kiểm soát toàn bộ các tuyến đường thủy ra vào các cửa biển, bến cảng của Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn... Với địa hình thuận lợi cho phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, đảo Thanh Lân trở thành lá chắn vững chắc bảo vệ lãnh hải và vùng nội thủy ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng.

Bên cạnh phát triển ngành thuỷ sản, Cô Tô còn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Nằm ở vị trí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, Cô Tô mang giá trị về sinh thái cảnh quan như một bảo tàng tự nhiên với các bãi tắm hoang sơ, nước biển trong, hệ sinh thái rừng nhiệt đới với 3 tầng cây cỏ và tầng dây leo, là hệ sinh thái rừng khá hiếm ở Việt Nam, thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và trải nghiệm. 

Huyện Cô Tô có vị trí địa lý thuận lợi nằm trong quần thể du lịch trọng điểm Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái, là một lợi thế quan trọng để mở rộng thị trường và hợp tác phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Phát huy lợi thế các ngành kinh tế biển gắn với phát triển mạnh dịch vụ du lịch; xây dựng Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao”. Ngày 12/1/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 99/QĐ-UBND về việc công nhận 3 tuyến, 2 điểm du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô, đây là một trong những cơ sở pháp lý để địa phương tập trung phát triển và khai thác lợi thế về biển.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng, Cô Tô là vùng biển đảo có vị thế chiến lược địa chính trị, an ninh quốc phòng quan trọng. 

Ngoài những giá trị đặc trưng về biển, Cô Tô được đánh giá cao và thực sự hấp dẫn du khách bởi gắn liền với đó là đa dạng sinh thái, các giá trị cảnh quan, địa chất độc đáo. 

Trong Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2025, huyện đảo Cô Tô xác định mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững vùng biển đảo, phát triển nhanh ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đảm bảo tính bền vững.

Cô Tô là huyện đảo có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, du lịch và dịch vụ; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Những năm qua huyện đã triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới biển đảo, kết hợp với quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển Tổ quốc.