Trước đây, các khu vực đầm, vịnh ở Khánh Hoà có nguồn lợi thủy sản rất phong phú. Tuy nhiên, do khai thác quá mức và bằng các công cụ hủy diệt nên nguồn lợi thủy sản suy giảm ở mức báo động. 

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển tỉnh quản lý, từ năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có quy định nghiêm ngặt về hoạt động đánh bắt thủy hải sản ven bờ. 

W-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-1.jpg
Việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản nhằm bảo vệ môi trường biển và đưa kinh tế biển phát triển ngày một bền vững. 

Cụ thể, UBND tỉnh cấm tất cả các nghề lưới kéo khai thác tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh; cấm các nghề đăng, đáy hoạt động trong đầm Thủy Triều, đầm Nha Phu; cấm tàu có công suất lớn hơn 90CV hoạt động vùng ven bờ... 

Đặc biệt, những năm gần đây, để góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, lực lượng chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các phương tiện hoạt động nghề cấm, không theo quy định trên các vùng đầm vịnh, khu vực ven bờ. Qua đó, đã góp phần chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.

Bên cạnh đó, để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành nhiều đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ, thả xuống các vịnh biển, đầm biển.  

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa, đồng thời hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, ngày Môi trường thế giới, tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam…. các tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh lại tích cực triển khai hoạt động thả hàng trăm nghìn sinh vật biển xuống các thuỷ vực tự nhiên trong tỉnh nhằm góp phần bổ sung, khôi phục và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển của tỉnh, nhất là khu vực vịnh Nha Trang.

Năm 2023, hưởng ứng Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023, đầu tháng 6/2023, tại đảo yến Đông Tằm, đã diễn ra lễ hội thả sinh vật biển tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo đó, khoảng 10.000 con cá biển giống đã được thả xuống vịnh Nha Trang. Đây là hoạt đông hướng đến cộng đồng nhằm chung tay khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản để bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế biển bền vững

Để hưởng ứng Festival Biển 2023 và hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, ngày Môi trường thế giới và tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức thả 12.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển vịnh Nha Trang. 

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho hay,  năm nào cũng vậy, nhân các kỳ Festival Biển, Ban Quản lý đều tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; đồng thời lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái biển, tuân thủ các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hoạt động này đã thu hút sự chung tay, hưởng ứng của nhiều tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh. 

Trước đó, vào tháng 3/2023, nhân kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2023), Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa) đã phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tổ chức thả con giống thủy sản ra biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tại đây, hơn 1,42 triệu con giống thủy sản như tôm sú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chẽm, ốc hương, ngao, tu hài… đã được thả ra biển nhằm tái tạo nguồn lợi tại vùng lõi Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). 

Đây là hoạt động thường niên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tổ chức không chỉ nhằm phục hồi và tăng cường nguồn lợi thủy sản ven biển, mà còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay bảo vệ môi trường biển và tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày một tốt hơn.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho hay, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản những năm qua đã bắt đầu cho thấy hiệu quả. Hoạt động này đã huy động được cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp, các đoàn viên, thanh niên tham gia. Lồng ghép với hoạt động thả cá, ngành còn đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường biển và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Hiện nay, tại khu vực ven bờ của tỉnh, ngư dân đã khai thác được cá chim vây trắng, cá chim vây vàng, cá chẽm.... 

Thời gian tới đây rất mong có thêm nhiều đơn vị, tổ chức, nhất là cộng đồng ngư dân tích cực tham gia hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Từ đó, lan tỏa, nâng cao nhận thức của cộng đồng, ngư dân để hoạt động khai thác đi đôi với bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, từ đó thúc đẩy phát triển nghề cá, góp phần đưa kinh tế biển của tỉnh phát triển bền vững.

Phạm Lương và nhóm PV, BTV