Thi công bến cảng, doanh nghiệp tình cờ phát hiện tàu cổ đắm nằm cách khu vực thi công khoảng 20m. Sau khi cấp báo cho cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp muốn nhanh chóng khai quật tàu cổ để tiếp tục thi công. Nhưng, hơn 6 tháng trôi qua, tàu cổ chưa biết ngày nào được trục vớt; còn doanh nghiệp khổ sở vì thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Khổ vì... tàu cổ

Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi là chủ đầu tư dự án bến cảng tại khu kinh tế Dung Quất. Đây là dự án bến cảng chuyên dụng, với các hạng mục công trình chính như cầu cảng, kho, bãi, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, luồng vào bến cảng,... và các công trình phụ trợ khác, đáp ứng cho tàu có trọng tải từ 30.000DWT đến 50.000 DWT.

Ngày 26-27/7/2017, trong quá trình thi công hút cát làm cảng nước sâu và tạo bãi để xây dựng cảng chuyên dụng tại vùng biển Dung Quất, phát hiện thấy nhiều mảnh gốm sứ và mảnh gỗ, công ty đã chỉ đạo dừng thi công và báo cáo với các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương.

{keywords}
Khu vực phát hiện tàu cổ đắm cách vị trí thi công bến cảng chừng 20m.

Sau quá trình tìm hiểu, đánh giá và kết luận, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở VH-TT&DL là đơn vị chủ trì khai quật tàu cổ đắm, với 2 phương án: phương án 1 là Nhà nước bỏ kinh phí để tiến hành khai quật; phương án 2 là xã hội hóa.

Khi phát hiện tàu cổ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lên phương án khai quật khẩn cấp. Vì Quảng Ngãi cho rằng việc phát hiện tàu cổ bị chìm đắm có chứa cổ vật nằm khá gần bờ dễ dẫn đến tình trạng khai thác, trục vớt trái phép, dễ bị hư hỏng cổ vật dưới nước do sóng thủy triều và có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng còn ký văn bản chỉ đạo “khẩn trương triển khai hoàn thành nhiệm vụ, không để kéo dài gây tốn kém chi phí, tạo kẽ hở có khả năng gây thất thoát cổ vật và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn”.

Thế nhưng, sau nhiều tháng trời bàn thảo, đến nay tàu cổ vẫn nằm dưới mặt biển. Còn việc thi công bến cảng của công ty phải tạm dừng từ đó đến nay. Công ty còn phải hút cát trở lại biển để lấp lại tàu, không để xảy ra tình trạng mất trộm cổ vật.

Ngày 18/1/2018, Công ty Hào Hưng phải có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị về sự chậm trễ trong việc khai quật tàu cổ, ảnh hưởng lớn tới tiến độ xây dựng bến cảng, gây thiệt hại lớn cả về tài chính và uy tín của công ty.

Thiệt hại nặng nề

Lãnh đạo Công ty Hào Hưng cho hay: Với sự chậm trễ trong chỉ đạo điều hành khai quật con tàu cổ vật đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động dự án Bến cảng chuyên dụng phục vụ chung khu kinh tế Dung Quất. Bởi lẽ, từ khi phát hiện tàu cổ đắm đến nay, mọi hoạt động đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án đều bị ngừng lại.

{keywords}
Công trình cọc của cầu cảng bị rỉ sét vì quá trình dừng thi công đã quá lâu.

Kéo theo đó là hàng loạt thiệt hại về kinh tế cho công ty, mức thiệt hại tính đến 31/1/2018 khoảng trên 20 tỷ đồng. Thiệt hại bao gồm hư hỏng vật tư, lãi suất vốn đầu tư, do không thực hiện được các hoạt động kinh doanh vì bị vỡ kế hoạch. Đó là chưa tính đến khoản có thể bị phạt hợp đồng với các đơn vị cung ứng dịch vụ và khách hàng. Tất cả đang ảnh hưởng lớn tới uy tín của nhà đầu tư. Việc chậm trễ trong khai quật tàu cổ vật cũng làm giảm chất lượng công trình cọc của cầu cảng vì quá trình dừng thi công quá lâu.

Không giấu nổi bức xúc, lãnh đạo công ty thất vọng: "Trải qua 6 tháng, việc trục vớt tàu cổ đắm vẫn dậm chân tại chỗ. Điều này cho thấy, mặc dù Chính phủ rất quyết tâm trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng trên thực tế ở địa phương, một số cá nhân trong cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn vẫn chưa thực sự đi đúng mục tiêu kêu gọi của Chính phủ. Điều này đã gây ra thiệt hại lớn cho công ty chúng tôi".

Công ty Hào Hưng đề xuất được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện khai quật bảo quản tàu cổ đắm theo đúng quy định của Luật Di sản nhằm tránh thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước và tránh gây thiệt hại thêm cho công ty vì thời gian ngừng thi công cầu cảng đã kéo dài quá lâu.

“Trường hợp công ty không được khai quật tàu cổ đắm, thì công ty nào vào cũng được. Thế nhưng phải nhanh lên vì công ty chúng tôi thiệt hại quá lớn rồi”, lãnh đạo công ty mong mỏi.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, cho hay: "Việc trục vớt tàu cổ ở khu vực bến cảng Công ty Hào Hưng do Bộ VH-TT&DL đứng ra chủ trì, không phải là Sở. Tôi được biết Bộ đã giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành khảo sát lập phương án khai quật".

Tuy nhiên, vị này cho hay vẫn chưa nắm được thông tin về thời gian khai quật tàu cổ.

Hoài Nam