Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 5/2 dẫn lời Phó đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (Bakamla) phát biểu tại một phiên họp quốc hội hồi đầu tuần này: "Với việc Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây căng thẳng ở Biển Đông và xem xét phản ứng của các nước lớn có lợi ích ở những vùng biển đó, nguy cơ leo thang xung đột đang hiện hữu”.
Các tàu Bakamla hiện được trang bị súng máy để đối phó tốt hơn với những đối tượng xâm phạm vùng biển Indonesia. Ảnh: Bakamla |
Ông Aan đã nhắc tới đạo luật mới được Trung Quốc thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2, cho phép các tàu hải cảnh của đại lục sử dụng mọi phương tiện "cần thiết", kể cả nổ súng trước nhằm chống lại "mối đe dọa từ các tàu nước ngoài" ở những vùng biển Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền.
Philippines mới đây đã gửi công hàm ngoại giao phản đối luật hải cảnh mới của Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng lên tiếng bày tỏ "các quan ngại sâu sắc" về đạo luật này.
Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sự lên án của nhiều nước láng giềng Đông Nam Á vì những yêu sách chủ quyền phi pháp đối với phần lớn Biển Đông.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Indonesia không có bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông, nhưng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn các khu vực được luật pháp công nhận bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, bao gồm cả vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, là nguyên nhân gây căng thẳng quan hệ song phương.
Mặc dù Bakamla không thuộc quân đội Indonesia mà trực thuộc Bộ Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh, nhưng trong giới chức quân đội nước này tồn tại quan điểm cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng đối với chủ quyền đất nước.
Một bài báo đăng tải tháng 12/2020 của Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Lục quân Indonesia kết luận, "các cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc nhằm vào quần đảo Nantuna có nguy cơ cao xảy ra khi Trung Quốc có ý định và tiềm lực quân sự" để phát động những vụ tập kích như vậy từ các căn cứ Bắc Kinh cho xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bài báo cũng cáo buộc, Trung Quốc dự định sáp nhập quần đảo Nantuna nhằm khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên nếu chính phủ Indonesia không chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh về việc cùng sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nguồn dự trữ trong khu vực. Theo nhóm tác giả, để ngăn chặn điều này xảy ra, Indonesia cần phải nâng cấp trang thiết bị quốc phòng, tích hợp khả năng của tất cả các lực lượng quân sự và triển khai Lục quân tới quần đảo Anambas.
Tuy nhiên, các nhà phân tích như chuyên gia nghiên cứu quốc phòng Muhammad Haripin thuộc Viện Khoa học Indonesia khuyến cáo, bài báo trên không nên được hiểu là dấu hiệu cho thấy quân đội Indonesia sẵn sàng cho chiến tranh.
Tuấn Anh
Mỹ điều chiến hạm đến Biển Đông bảo vệ tự do hàng hải
Hải quân Mỹ tuyên bố, tàu khu trục Mỹ USS John S. McCain (DDG 56) đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải trong khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhiều thủy thủ tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông mắc vấn đề tâm lý
Hơn 1/5 số thủy thủ trên các tàu ngầm Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần, theo một nghiên cứu mới của chính các nhà khoa học nước này.