Ngày 12/10, các cơ quan y tế của Indonesia đã đưa ra thông tin trên. Người phát ngôn Bộ Y tế Mohammad Syahril nói với Reuters, Indonesia đã ghi nhận 131 ca tổn thương thận cấp tính trên toàn quốc kể từ tháng 1. Tổng số người chết vẫn đang được xác định. 

Tuy nhiên, ông Syahril nói thêm, các trường hợp ở Indonesia không liên quan đến những ca bệnh ở Gambia. 

Riêng cơ quan y tế ở Thủ đô Jakarta cho biết, đã có tổng cộng 31 ca tổn thương thận cấp tính từ tháng 1, trong đó 68% đã tử vong.

Bộ Y tế Indonesia thông tin, họ đang trao đổi với các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người đang điều tra vụ việc siro Ấn Độ liên quan tới gần 70 bệnh nhi tử vong ở Gambia. Bộ đã thành lập một nhóm với hiệp hội nhi khoa và một bệnh viện có trụ sở tại Jakarta để xem xét vấn đề.

Indonesia cho biết, những phát hiện ban đầu cho thấy khả năng nhiễm độc gây ra bệnh, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác. Bộ nói, cần phải nghiên cứu thêm.

Cuộc điều tra được bàn tới khi các nhà chức trách ở Gambia (quốc gia ở Tây Phi) cho biết gần 70 trẻ em đã chết vì tổn thương thận cấp tính sau khi uống một loại siro paracetamol bán tại địa phương dùng để điều trị sốt.

WHO đã đưa ra cảnh báo vào ngày 5/10 rằng phân tích trong phòng thí nghiệm với 4 sản phẩm của Maiden Pharmaceuticals (Ấn Độ) đã phát hiện lượng diethylene glycol và ethylene glycol không thể chấp nhận được, có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Đó là Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup.

Cơ quan quản lý dược phẩm của Indonesia khẳng định, các loại siro trên không được đăng ký tại nước này.