Indonesia đang triển khai các biện pháp dập dịch theo lệnh hạn chế sinh hoạt cộng đồng (PPKM) khẩn cấp hay PPKM cấp độ 4 ở Java, Bali và 15 vùng khác khắp toàn quốc kể từ ngày 3/7.

Theo đó, việc di chuyển của người dân bị giới hạn tùy theo lĩnh vực họ làm việc và chỉ các lao động trong những lĩnh vực thiết yếu như năng lượng hay y tế mới được phép đến cơ quan.

{keywords}
Một người đàn ông đẩy xe hàng đi ngang qua tấm áp phích kêu gọi người dân đeo khẩu trang phòng chống Covid-19 ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 25/7, Tổng thống Widodo thông báo, ngoài việc gia hạn các hạn chế PPKM tới ngày 2/8, nhà chức trách sẽ có một số điều chỉnh sau khi cân nhắc các khía cạnh xã hội, kinh tế và y tế.

Đài CNA dẫn lời ông Widodo nói, các chợ truyền thống bán nhu yếu phẩm hàng ngày có thể mở cửa bình thường, trong khi các chợ truyền thống không bán các mặt hàng thiết yếu chỉ được phép hoạt động với công suất tối đa 50% cho đến 15h chiều.

Những người bán hàng rong, cửa hàng tạp hóa, đại lý hoặc cửa hàng bán sim thẻ điện thoại di động, hiệu cắt tóc, tiệm giặt là, cửa hàng sửa chữa ôtô nhỏ, tiệm rửa xe và các cơ sở kinh doanh nhỏ tương tự được phép hoạt động theo các quy định nghiêm ngặt về sức khỏe cho đến 21h tối. Mỗi khách chỉ được phép mua sắm tại các cửa hàng ngoài trời tối đa 20 phút. Các chính quyền địa phương sẽ xem xét triển khai thêm các quy định khác.

Chính phủ Indonesia đang phân loại các vùng thành 4 cấp độ, trong đó cấp độ 1 là an toàn nhất và cấp độ 4 cho thấy mức lây nhiễm cao nhất với trung bình 50 ca mắc/ngày trên mỗi 100.000 dân.

Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến hôm 25/7, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Pandjaitan cho biết, từ ngày 26/7 sẽ có 95 thành phố và đơn vị hành chính ở Java và Bali được phân loại cấp độ 4.

Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc Covid-19 theo ngày cao nhất thế giới và tỷ lệ tử vong vì dịch cũng được cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu. Cho đến nay, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ghi nhận gần 3,2 triệu ca mắc với 83.279 bệnh nhân thiệt mạng.

Hàn Quốc nâng mức giãn cách xã hội 

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao thứ hai ở ngoài khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận từ ngày 27/7 nhằm làm chậm lại sự lây lan của virus corona chủng mới ở các tỉnh thành vào cao điểm của kỳ nghỉ hè.

Trước đó, nhà chức trách đã quyết định gia hạn thời gian thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao nhất ở Seoul, tỉnh Gyeonggi và thành phố cảng Incheon đến ngày 8/8.

Làn sóng dịch bệnh thứ 4, chủ yếu do biến thể Delta đã khiến số ca mắc mới trong ngày ở xứ sở kim chi tăng lên hơn 1.000 ca kể từ 7/7. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.486 ca mắc và 5 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 188.848 người, trong đó 2.073 bệnh nhân tử vong.

Malaysia vượt mốc 1 triệu ca mắc

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Malaysia có thêm 17.045 ca mắc mới, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch và là ngày thứ 13 liên tiếp nước này ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm/ngày, khiến tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước này chính thức vượt mốc 1 triệu ca.

Nhà chức trách cho hay, số ca nhiễm mới tập trung đông nhất tại bang Selangor với 8.500 ca, tiếp theo là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 2.045 ca và bang Kedah với 1.216 ca.

Tính đến hết ngày 25/7, tổng số ca tử vong vì dịch tại Malaysia là 7.994 người, tăng 92 trường hợp so với một ngày trước đó.

Trong một bài đăng trên Facebook cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Noor Hisham Abdullah thông báo, bệnh viện Bukit Mertajam ở Penang đã được chuyển đổi thành "một bệnh viện Covid-19 lai" để đối phó với số ca bệnh cần nhập viện đang tăng chóng mặt. Bệnh viện này được trang bị 72 giường cho bệnh nhân cần thở oxy và có thể dành 120 giường phục vụ điều trị các ca nặng nếu nhu cầu tăng lên. Các bệnh nhân không mắc Covid-19 cũng sẽ được chuyển đến những cơ sở y tế lân cận để điều trị khi cần.

Malaysia đã bước sang tháng thứ 3 áp dụng hạn chế đi lại trên toàn quốc nhưng dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm bớt do sự hoành hành của biến thể Delta, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung vắc xin. Thủ tướng Muhyiddin Yassin hôm 23/7 tuyên bố, chính phủ có thể nới lỏng một số hạn chế đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ, kể cả cho phép họ dùng bữa tại các nhà hàng, tham gia nhiều hoạt động xã hội và thể thao hơn cũng như đi lại giữa các bang.

Mỹ cân nhắc tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho các đối tượng dễ tổn thương

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ và cũng là trưởng cố vấn cho Nhà Trắng trong cuộc chiến chống Covid-19 cho biết, những người dân bị suy giảm miễn dịch có thể cần phải tiêm liều vắc xin thứ 3 trong bối cảnh biến thể Delta đang làm tăng mạnh số ca mắc ở nước này.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 25/7, ông Fauci nêu rõ, những đối tượng dễ bị tổn thương nhiều khả năng cần tiêm thêm liều vắc xin là những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật cấy ghép, hóa trị ung thư, mắc các bệnh tự miễn hoặc đang theo phác đồ ức chế miễn dịch. Chuyên gia này tiết lộ thêm, nhà chức trách y tế cũng đang tích cực xem xét liệu có điều chỉnh chỉ dẫn về đeo khẩu trang đối với những người đã chủng ngừa hay không.

Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 35,2 triệu ca mắc và 626.761 bệnh nhân không qua khỏi. Số ca nhiễm mới tại xứ sở cờ hoa đang có xu hướng tăng, lên trung bình 51.878 ca/ngày trong tuần qua, bằng 21% so với mức kỷ lục ghi nhận ngày 8/1. Mỹ đã tiêm được gần 341 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, tương đương khoảng 51,9% dân số đã được chủng ngừa đầy đủ nếu mỗi cá nhân cần tiêm đủ 2 liều.

Theo Reuters, số ca mắc mới ở xứ sở cờ hoa đang tăng mạnh nhất ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Cố vấn Nhà Trắng Jeffrey Zients trích dẫn số liệu thống kê nói, 3 bang Florida, Texas và Missouri tuần trước chiếm tới 40% tổng số ca mắc mới mỗi ngày trên toàn quốc.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 26/7 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 194,8 triệu người, xấp xỉ 4,2 triệu ca tử vong. Song, hơn 176,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỷ lệ khỏi bệnh là hơn 90,7%.

- Nam Phi đã cho dỡ bỏ các biện pháp hạn chế về đi lại liên tỉnh và mua bán rượu bia vào các ngày trong tuần sau khi Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên bố, làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở nước này có thể đã đạt đỉnh và số ca mắc mới đang giảm trong những ngày gần đây. Nam Phi hiện chiếm hơn 1/3 tổng số ca mắc và 40% trường hợp tử vong vì dịch tại lục địa đen.

- Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan (FDA) vừa phê duyệt lưu hành thuốc Favipiravir, do Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) bào chế trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 đang gia tăng ở quốc gia này. Nhu cầu sử dụng thuốc Favipiravir ở Thái Lan hiện vào khoảng 300.000 viên mỗi ngày. Phiên bản Favipiravir sản xuất trong nước, với giá chỉ bằng một nửa so với giá nhập khẩu dự kiến sẽ được bán theo đơn tại Thái Lan vào tháng tới.

- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, trốn tránh tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là biểu hiện của “sự vô trách nhiệm”, đồng thời hối thúc người dân đi tiêm chủng. Phát biểu của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh nước Pháp đang chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối quy định về chứng nhận chủng ngừa và việc bắt buộc tiêm vắc xin đối với một số nhóm ngành nghề.

- Helge Braun, Chánh văn phòng của Thủ tướng Angela Merkel bày tỏ quan ngại số lượng ca nhiễm virus mới sẽ tăng trong những tuần tới và có thể lên tới 100.000 ca/ngày vào cuối tháng 9 tới, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp. Theo quan chức này, để tránh kịch bản xấu, Đức cần tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng và thay đổi cách ứng phó với dịch bệnh. Theo thống kế của Viện dịch tễ Robert Koch, cho đến nay, có 60% trong tổng số 83 triệu người tại Đức đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên và khoảng 48% đã được tiêm đủ 2 mũi. Quốc gia này hiện ghi nhận gần 3,8 triệu ca mắc, bao gồm 92.037 ca tử vong.

Tuấn Anh

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Các quốc gia điều chỉnh chiến lược chống Covid-19

Các quốc gia điều chỉnh chiến lược chống Covid-19

Khoảng 18 tháng sau khi Covid-19 bùng phát, các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang khuyến khích mọi người thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Biểu tình ở Australia, Pháp và Italia, nhiều người bị phạt vì phạm lệnh giãn cách Covid-19

Biểu tình ở Australia, Pháp và Italia, nhiều người bị phạt vì phạm lệnh giãn cách Covid-19

Hàng trăm nghìn người tại Pháp, Italia và Australia đã biểu tình phản đối các hạn chế của chính phủ nhằm ngăn ngừa virus corona lây lan.

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).