iOS 13 bổ sung chế độ Dark Mode, tính năng bảo mật và thay đổi giao diện trong khi Android Q tập trung vào quyền riêng tư và các cải tiến AI hữu ích.
Nếu không có hệ điều hành, iPhone và các thiết bị Android cũng chỉ là những khối kính, kim loại và nhựa. Apple vừa công bố iOS 13 beta tại sự kiện WWDC dành cho các nhà phát triển. Android Q cũng đang ở giai đoạn beta, nhưng đã cho phép người dùng trải nghiệm từ tháng 5.
Bảo mật: iOS 13 thắng. Trong những năm qua, Apple đã biến việc bảo mật dữ liệu người dùng thành một thế mạnh. Tại WWDC, công ty giới thiệu tính năng “Sign in with Apple”, giúp đăng nhập ẩn danh vào các trang web và ứng dụng mà không bị theo dõi.
Với Google, dù CEO Sundar Pichai từng khẳng định “quyền riêng tư không phải là món hàng xa xỉ chỉ dành cho người có tiền”, song công ty này vẫn còn một quãng đường dài để thực sự bảo mật dữ liệu cá nhân. Hoạt động kinh doanh và nguồn thu chính của Google phụ thuộc việc bán quảng cáo nhắm đối tượng, dựa trên những gì người dùng tìm kiếm.
Dark Mode toàn hệ thống: iOS 13 thắng. Apple có nhiều kinh nghiệm hơn khi đã mang chế độ nền tối lên hệ điều hành macOS Mojave từ năm 2018. Tại WWDC, chế độ Dark Mode được hiển thị trên nhiều giao diện khác nhau - từ hình nền, thông báo đến ứng dụng Lịch và Tin nhắn. Trong khi trên Android Q, một số ứng dụng như Gmail hay Chrome vẫn chưa có tuỳ chọn Dark Mode.
Chụp, chỉnh sửa và chia sẻ ảnh: Android Q thắng. Google Photos kết hợp các công cụ chỉnh sửa với sao lưu và chia sẻ ảnh - tạo nên một ứng dụng mạnh mẽ cho người dùng Android. Ngoài ra, chế độ Night Sight trên Pixel là một trong những công nghệ chụp đêm tốt nhất hiện nay.
Đồng bộ ứng dụng: iOS 13 (và macOS) thắng. Tại WWDC 2019, Apple bắt đầu cho phép các nhà phát triển iPadOS mang ứng dụng lên Mac với công cụ Project Catalyst. Google với Chromebook cũng cho phép chạy ứng dụng Android ở dạng laptop, nhưng yêu cầu kết nối Internet và thiếu các dịch vụ Windows cũng như Adobe - khiến nó không thực sự hữu dụng.
Dịch vụ game Arcade và Stadia: tuỳ thuộc người dùng. Apple Arcade sẽ hoạt động trên iPhone, iPad, Mac và Apple TV. Google với dịch vụ Stadia của mình cho phép người dùng chơi game ở bất cứ đâu có trình duyệt Chrome, cùng bộ điều khiển riêng. Nếu sở hữu kết nối Internet tốt và thích game console, Stadia sẽ là lựa chọn phù hợp. Còn Apple Arcade dành cho người thích game di động và có thể chơi offline.
Các ứng dụng gọi điện - nhắn tin: iOS 13 thắng. Trải nghiệm nhắn tin - gọi điện trên iMessage và FaceTime rất liền mạch giữa các thiết bị iOS và Mac. Google lại “phức tạp hoá” các dịch vụ với Duo và Hangouts để video call, Google Voice dành riêng gọi điện, Hangouts Meet & Chat cho doanh nghiệp và Messages để nhắn tin. Phiên bản web của những ứng dụng trên chưa hoàn hảo và đôi khi không đồng bộ với điện thoại.
Google Assistant và Siri: Android Q thắng. Dù ra mắt trước vào năm 2011, Siri không thực sự có nhiều cải tiến. Trong khi Google Assistant, với khả năng truy cập vào kho dữ liệu rộng lớn từ công ty, có thể nhận diện lệnh và tìm kiếm tốt hơn. Ngoài ra, Google Assistant cũng tương thích đa dạng hơn với nhiều loại loa thông minh.
Bàn phím vuốt: Android Q thắng. Tính năng vuốt để nhập liệu trên iOS 13 tuy mới, nhưng vẫn muộn hơn so với Google Gboard, hay thậm chí là nhiều ứng dụng bên thứ 3 như Swiftkey. Gboard đã có một thời gian dài để phát triển các tính năng, giao diện và hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Ứng dụng bản đồ: Android Q thắng. Một lần nữa, ứng dụng bản đồ của Apple lại thua kém đối thủ ở thời gian phát triển. Google Maps hiện có nhiều tính năng, bao gồm những thứ vừa được giới thiệu trong iOS 13 như chế độ xem 3D, và vẫn đang cập nhật.