Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, những năm qua, các địa phương ven biển đã thành lập các tổ tàu thuyền an toàn, đoàn kết, vừa hỗ trợ hoạt động trên biển, vừa tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Mô hình Tổ tự quản tàu thuyền an toàn ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, là một trong những mô hình đã phát huy được hiệu quả thiết thực vừa thúc đẩy phát triển kinh tế biển của địa phương, vừa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Trước đây, khi chưa được thành lập, hầu hết ngư dân mỗi lần đi biển đều mạnh ai nấy đi; không kết nối hay chia sẻ thông tin với nhau về hành trình của mình. Chính vì vậy, giữa biển khơi mênh mông, mỗi lần tàu thuyền gặp sự cố không may trên biển thì đều phải tự xoay xở mà không nhận được sự hỗ trợ lẫn nhau.

Để giúp ngư dân đoàn kết khai thác trên biển, cùng bảo vệ nhau và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, năm 2009, Ban Tự quản tàu thuyền (hay còn gọi là Tổ tự quản tàu thuyền an toàn) đã được thành lập tại 4 tổ dân phố của thị trấn Cửa Việt. 

Các tổ tự quản tàu thuyền an toàn này có nhiệm vụ vừa đánh bắt hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền đất nước, vừa đoàn kết, hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất trên biển, đồng thời cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về tình hình trên biển, nhất là tình trạng tàu lạ xâm phạm trái phép trên hải phận Việt Nam. Ngoài ra, các tổ tự quản tàu thuyền an toàn còn hỗ trợ các lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các tàu thuyền khác gặp nạn trên biển.

Đến nay, mô hình tổ tự quản tàu thuyền an toàn ở Cửa Việt đã duy trì được hơn chục năm và hiện được nhân rộng. Toàn huyện Gio Linh hiện đã thành lập được 13 tổ tự quản tàu thuyền an toàn, với 352 tàu thuyền và 808 thuyền viên tham gia. Và trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 43 tổ tự quản tàu thuyền an toàn. 

Các tổ tự quản tàu thuyền an toàn đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong khai thác thủy sản; cung cấp rất nhiều thông tin giá trị về tình hình trên biển cho lực lượng chức năng; góp phần cùng các lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ, giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

W-IMG_5074 used.jpg
Mô hình “Kết nối ngư dân - Bảo vệ an ninh tuyến biển” tại Tiến Thuỷ (Quỳnh Lưu, Nghệ An), giúp các ngư dân đoàn kết vươn khơi bám biển, cùng tương trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác vừa phối hợp với lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền trên biển. Ảnh: Hải Yến

Hay như mô hình “Kết nối ngư dân - Bảo vệ an ninh tuyến biển” của xã biển Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cũng vậy.

Là xã thuần biển nên người dân nơi đây có nghề chính là khai thác hải sản, đóng tàu, kinh doanh buôn bán và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện trên địa bàn xã có 232 tàu thuyền đánh bắt hải sản công suất lớn với hơn 3.300 lao động trực tiếp sản xuất trên biển, chiếm 31% dân số. 

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, năm 2016, Tiến Thuỷ cho ra mắt mô hình “Kết nối ngư dân - Bảo vệ an ninh tuyến biển” nhằm vận động nhân dân tham gia giữ gìn tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung.

Từ ngày có mô hình này, các thành viên trong tổ tàu thuyền đã đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong khai thác, đánh bắt, thường xuyên liên lạc, chia sẻ thông tin, lương thực, thực phẩm; thông báo tình hình hoạt động cho nhau từ đó hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác hải sản tại các vùng biển khơi; phối hợp với lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng, Hải quân… bảo vệ chủ quyền trên biển. 

Những năm qua, sản lượng khai thác hải sản của các chủ tàu thuyền ở Tiến Thuỷ đạt hơn 100.000 tấn. Bình quân thu nhập lao động trong năm đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, các tổ tàu thuyền đã tổ chức nắm tình hình trên biển và trực tiếp báo cáo với các lực lượng chức năng gần 70 nguồn tin tin về việc tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; tổ chức đánh bắt hải sản theo từng tổ với số lượng lớn tàu thuyền khai thác hải sản tại các vùng biển đang tranh chấp để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ngoài ra, các tổ tàu thuyền đã tham gia tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời 18 lượt tàu thuyền, ngư dân bị gặp nạn, hỏng máy móc trên biển. 

Được biết, hiện nay, cảc tỉnh, thành phố có biển đều đã thành lập các tổ tàu thuyền an toàn. Như tỉnh Bạc Liêu hiện đã thành lập và đưa vào hoạt động 21 tổ tàu thuyền an toàn với hàng trăm phương tiện tham gia; tỉnh Quảng Nam đã thành lập được 81 tổ tàu thuyền đoàn kết với gần 1.000 tàu, thuyền tham gia; tỉnh Bình Thuận đã duy trì thực hiện có hiệu quả 129 tổ thuyền đoàn kết khai thác hải sản với 982 phương tiện và có 5.184 lao động tham gia; goài ra, Bình Thuận còn có 2 nghiệp đoàn nghề cá với 21phương tiện và 167 lao động vừa sản xuất, vừa tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển, đảo...

Theo số liệu thống kê, đến năm 2023, cả nước đã thành lập được hơn 3.466 tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển. Các tổ tàu thuyền này hoạt động rất hiệu quả, không chỉ góp phần tăng cường mối đoàn kết, gắn bó, tương trợ giữa các ngư dân trong hoạt động sản xuất, đánh bắt trên biển, mà còn phát huy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo.

Hải Yến