Là người dân sinh sống ở TP Kon Tum, trước đây mỗi lần đi chợ hay mua sắm bất cứ món đồ gì, chị Nguyễn Thị Hoan đều phải mang theo tiền mặt nên dễ bị nhầm lẫn và mất mát. Thế nhưng từ khi triển khai thanh toán trực tuyến, chị không cần đưa tiền mặt, quẹt thẻ là xong ngay. Bản thân chị Hoan cảm thấy rất thoải mái, vui vẻ.
Được biết, từ đầu năm đến nay, UBND TP Kon Tum đã triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo các đơn vị, địa phương quán triệt cán bộ, công chức và người lao động không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn. Đồng thời cử cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ở các phòng, ban và các xã, phường tham gia các lớp tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thông tin mạng trong quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, thực hiện kết nối mạng nội bộ tại trụ sở Hội đồng nhân dân, UBND TP và UBND các xã, phường với mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo theo quy định để triển khai gửi, nhận văn bản qua Trục liên thông văn bản của tỉnh, thành phố. Chỉ đạo UBND các xã, phường khảo sát thực tế các khu vực có hiện tượng sóng di động 2G, 4G yếu.
Đặc biêt, UBND các xã, phường của thành phố thành lập 154 tổ công nghệ số cộng đồng với 676 thành viên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại thôn; cử thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng tham gia Chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số năm 2022 do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.326 máy tính, đa số đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tối thiểu phục vụ công việc hàng ngày của cán bộ công chức, người lao động. UBND TP phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành triển khai hệ thống giám sát mã độc tập trung. Chỉ đạo các cơ quan, địa phương cập nhật thông tin chi tiết về chiến dịch và công cụ hỗ trợ xử lý mã độc tại địa chỉ: https://khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022; truyền thông về nguy cơ khi sử dụng phần mềm bẻ khóa, không bản quyền và khuyến nghị sử dụng công cụ hỗ trợ xử lý mã độc của Cục An toàn thông tin đến người dùng.
Thành phố cũng đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích tổ chức, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến được giao.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thành phố tiếp nhận xử lý 109.641 văn bản đến, ban hành 23.500 văn bản đi các loại (không tính văn bản mật) và 100% văn bản phát hành hoàn toàn điện tử được ký số. Trên các địa bàn xã, phường tiếp nhận xử lý 60.737 văn bản đến, ban hành 11.344 văn bản đi các loại (không tính văn bản mật), 100% văn bản phát hành hoàn toàn điện tử được ký số.
Hệ thống điện tử công vụ riêng của thành phố triển khai 1.653 tài khoản thư điện tử được cấp cho các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ trao đổi, gửi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
Thành phố triển khai hiệu quả, đồng bộ, thông suốt Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối đến cấp xã (gồm 23 điểm cầu: 02 điểm cầu tại Trụ sở HĐND - UBND thành phố; 21 điểm cầu cấp xã). Ngoài ra, 100% xã, phường đã được triển khai hội nghị trực tuyến kết nối từ Chính phủ, tỉnh, thành phố với cấp xã, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt giữa các cấp chính quyền trên mọi lĩnh vực.
Hiện nay, 100% các phòng chuyên môn trực thuộc UBND thành phố và UBND xã, phường đã thực hiện báo cáo định kỳ trên Hệ thống Báo cáo của Văn phòng Chính phủ, của tỉnh đảm bảo theo quy định. Việc triển khai thực hiện các chế độ báo cáo trên môi trường điện tử thông qua các hệ thống bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực; thời gian tổng hợp, gửi số liệu báo cáo của các đơn vị, địa phương được nhanh chóng, chính xác; trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ công chức ngày càng nâng cao và dần hình thành thói quen làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.
Đối với các ứng dụng chuyên ngành cũng đươc thành phố trang bị, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công chức, viên chức để triển khai hiệu quả. Hiện nay, 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ thành phố đến cấp xã triển khai phần mềm cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân.
Sử dụng phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp MISA.Mimosa.NET và phần mềm quản lý tài sản trong công tác kế toán nội bộ cơ quan, đảm bảo kết nối trực tiếp dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước để thực hiện giao dịch điện tử; triển khai phần mềm quản lý hộ tịch, bảo hiểm y tế; phần mềm quản lý trẻ em do các bộ, ngành cung cấp…
Cùng với đó, thành phố triển khai rộng rãi ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục, cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng.
Với những kết quả bước đầu trong triển khai thí điểm chuyển đổi số, thành phố Kon Tum sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân nhằm tạo ra những đột phá trong chính quyền số, kinh tế số và xã hội số thời gian tới.
Hải Vân