Ngân hàng giảm lãi cũng không còn tiền đóng
Vợ chồng chị Minh Thùy (Q.3) vay 1,2 tỷ đồng tại Ngân hàng (NH) Public Việt Nam (Public Bank) để mua nhà, số tiền gốc và lãi chị phải đóng mỗi tháng khoảng 12-13 triệu đồng. Gần ba tháng qua chị Thùy thất nghiệp, cả nhà đếu sống nhờ vào đồng lương đã bị giảm gần phân nửa của chồng chị. Toàn bộ số tiền vợ chồng chị để dành phòng thân đều lấy ra trả nợ NH nhưng đến tháng Chín này, chị hết khả năng để trả. “Tôi có liên hệ NH thông báo hết khả năng trả nợ thì được NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong ba tháng tới” - chị Thùy thông tin.
Chị Hồng Linh (Q.Bình Tân) có khoản vay khoảng 1 tỷ đồng tại NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tổng tiền gốc và lãi phải đóng là 11,8 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị đã thất nghiệp suốt bốn tháng qua, số tiền dành dụm cả năm trước được dùng hết cho việc trả nợ NH và chi tiêu trong gia đình. “NH có thông báo giảm lãi 0,5% trên dư nợ đang vay. Nhưng với tình cảnh hiện tại, tôi mong được cơ cấu nợ khoảng 2-3 tháng hơn là giảm lãi. Bởi cơ cấu nợ thì có một khoảng thời gian không phải đóng, còn giảm lãi thì vẫn phải đóng hằng tháng. Tôi đã báo NH mất khả năng trả nợ, đề nghị được cơ cấu nợ và ngưng đóng tiền từ tháng Chín. Nếu có tiền lãi phạt quá hạn hoặc thậm chí nhảy nhóm nợ tôi cũng chịu” - chị Linh nói.
Nhiều khách hàng cá nhân vay ngân hàng đang phải chịu áp lực trả nợ vay lớn do giảm hoặc mất thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội |
Anh T.T.K. (H.Bình Chánh) cho hay anh vay Công ty Tài chính F. 50 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng, mỗi tháng đóng gốc lẫn lãi là 2,65 triệu đồng. Hai tháng qua do thất nghiệp anh không còn khả năng trả nợ.
Được cơ cấu nợ vẫn lo
Theo thông tin từ Public Bank, NH chấp nhận cơ cấu lại thời gian trả nợ, tối đa là 12 tháng với những khách vay gặp khó khăn về thu nhập. Khách vay phải làm đơn xin hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19. Tùy theo ảnh hưởng thu nhập mà chỉ đóng lãi không đóng gốc hoặc không đóng cả gốc lẫn lãi.
NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có chính sách đối với khách vay tại các địa phương phải giãn cách xã hội; khách hàng là F0, F1, F2… có khoản vay quá hạn sẽ được NH xem xét chỉ áp dụng thu lãi trong thời gian quá hạn bằng mức lãi suất cho vay trong hạn. Agribank cũng xem xét khả năng cơ cấu lại nợ với những khách hàng có yêu cầu.
Nhiều chuyên gia cũng như đại diện các NH nhận xét, chính sách hỗ trợ khách vay trong Thông tư 03 của NH Nhà nước Việt Nam có nhiều điểm bất cập khiến khách hàng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam - dẫn dụ, theo quy định hiện tại, chỉ cho phép cơ cấu với khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Do đó các khoản nợ từ ngày 10/6/2020 đến nay sẽ không được hỗ trợ cơ cấu, dẫn đến khách hàng khó khăn về tài chính sẽ bị chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách và cả chất lượng nợ của các NH. “Quy định thời gian trả nợ tối đa 12 tháng kể từ ngày được cơ cấu cũng gây khó cho khách hàng. Chẳng hạn, một khách hàng được phép cơ cấu nợ trong bốn tháng thì số tiền trả nợ của bốn tháng này sẽ cộng dồn trong tám tháng tiếp theo, sẽ gây áp lực trả nợ cho khách trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, chưa biết ngày nào có thể phục hồi thu nhập” - ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.
Giám đốc chi nhánh một NH thương mại tại TP.HCM cho biết, năng lực của NH có hạn nên không phải trường hợp nào yêu cầu cũng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nên việc thẩm định mức độ ảnh hưởng của khách cũng rất khó khăn. Nếu khách vay cá nhân được cơ cấu, chỉ nên chọn ba tháng thay vì ham kéo dài đến 5-7 tháng, bởi vì áp lực trả nợ dồn về các tháng sau rất lớn” - vị giám đốc này khuyên.
NH Nhà nước Việt Nam vừa có dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi. Theo dự thảo thì các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 đều được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thay vì mốc trước ngày 10/6/2020. Đồng thời cơ quan này cũng đề xuất thời gian gia hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ kéo dài đến ngày 30/6/2022 thay vì chỉ đến hết năm 2021 này.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Quốc Hùng, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, để tránh nguy cơ tiếp tục phải sửa đổi khi đến hạn, dự thảo sửa đổi Thông tư 03 nên quy định cho phép áp dụng với tất cả các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong thời hạn từ ngày 23/1/2020 cho đến ngày liền kề sau ba tháng kể từ khi Chính phủ công bố hết dịch COVID-19. Đồng thời nên mở rộng thời gian trả nợ cơ cấu dài hơn một năm để giảm áp lực trả nợ cho khách. Được cơ cấu nợ đối với các khách hàng bị phong tỏa với thủ tục đơn giản, không cần khách cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh doanh thu như quy định hoặc cho phép NH được hoãn trả nợ tự động.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - thông tin thêm hiện các tổ chức tín dụng đang thúc đẩy nhân viên của mình tăng tốc thu hồi nợ, nhất là với khách hàng cá nhân. Nguyên nhân là các NH đang sử dụng nguồn tiền gửi có kỳ hạn để cho vay. Nếu không thu hồi nợ đúng hạn hoặc không thu hồi được do khách hàng mất khả năng trả nợ sẽ tạo khoản nợ xấu lớn.
“Cách tốt nhất hiện nay là nên kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư 03 ít nhất thêm một năm trở lên kể từ thời điểm này. NH vừa bớt áp lực về nợ xấu đồng thời khách cũng không bị chuyển nhóm nợ” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)
Khốn đốn vì vay tiền mua nhà thời Covid-19
Nhiều người vay ngân hàng mua nhà trả góp đang gặp khó khăn do không có thu nhập, hoặc thu nhập bị giảm do dịch bệnh.