4 vùng trồng chè của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang) với tổng diện tích 43,76 ha cũng đã được cấp mã số vùng trồng. Các lô chè trong vùng đã được cấp mã số và được theo dõi chặt chẽ từ giống, quy trình chăm sóc, thu hái và chế biến.

Đây cũng chính là diện tích chè đã đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Rainforest Alliance - Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững thế giới. Việc Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng càng làm rõ hơn nguồn gốc, chất lượng sản phẩm chè Mỹ Lâm và tăng sức cạnh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu.

Các cơ sở dữ liệu về thổ nhưỡng, giống, đặc tính cây trồng, quy trình chăm sóc, chất lượng, sản lượng sản phẩm đều được cập nhật trên phiên bản website và ứng dụng điện thoại với các phân hệ dành cho cơ quan quản lý, cán bộ xác minh và người dân đăng ký. Do đó bạn hàng, người tiêu dùng có nhu cầu truy xuất tận gốc của sản phẩm rất dễ dàng thực hiện.

W-nongsan-11.png
Ảnh minh hoạ

Với lợi thế từ việc cấp mã số vùng trồng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp tích cực nhập cuộc. Hiện tại đến thời điểm này, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 11 vùng cây trồng với tổng diện tích 127,1 ha và 2 cơ sở đóng gói sản phẩm được cấp mã số. Trong đó 9 mã số đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU và vào thị trường chính ngạch của Trung Quốc.

Thời qian qua, quá trình triển khai xây dựng mã số vùng trồng luôn được ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng bà con nông dân, địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo có nhiều hơn vùng cây trồng, sản phẩm được cấp mã số.

Tuy nhiên, trên thực tế, sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều, trong khi yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng là diện tích từ 10 ha trở lên.

Thêm vào đó là quy trình kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, việc tiếp cận xây dựng mã số vùng trồng của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân còn lúng túng; số doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu nông sản, nhất là nông sản tươi còn ít.

Để có nhiều hơn sản phẩm được cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần mạnh tay đầu tư để xây dựng được mã số vùng trồng thông qua các giải pháp như: đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hợp tác chặt chẽ với các hợp tác xã, hộ nông dân có vùng sản xuất đủ lớn; đầu tư công nghệ, hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu...

Thúy Nga và nhóm PV, BTV