Theo thống kê của Savills Việt Nam, nguồn cung phòng khách sạn tại TP.HCM lớn nhất Việt Nam, hơn 70% so với Hà Nội. Thách thức ngành du lịch hiện nay là vấn đề quá tải tại các sân bay. 

Ông Troy Griffiths, Phó TGĐ Điều hành Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung khách sạn tại TP.HCM xấp xỉ khoảng 16.000 phòng khách sạn 3-5 sao. Trong ba năm tới, tại đây sẽ có thêm 3.500 phòng mới, tăng 22%. Áp lực nguồn cung sẽ cao hơn ở Hà Nội, với nguồn cung trong tương lai chiếm đến 50% tổng nguồn cung hiện tại.

Trong khi đó, Nha Trang là thành phố có lượng nguồn cung khách sạn lớn nhất trong số các thành phố ven biển, với hơn 12.000 phòng khách sạn 3-5 sao và có công suất được thuê cao nhất. Trong năm 2016, thành phố này đón 1,2 triệu khách du lịch quốc tế, thấp hơn 30% so với Đà Nẵng.

{keywords}
Nguồn cung phòng khách sạn tăng mạnh

Phú Quốc là điểm đến lý tưởng cho du lịch cao cấp, phân khúc 5 sao chiếm 71% với 2.500 phòng từ 3-5 sao. Tuy nhiên, với việc là thị trường mới nổi, một lượng lớn nguồn cung trong tương lai có thể sẽ thách thức khả năng hoạt động của các chủ đầu tư.

Cho đến năm 2016, nguồn cung lưu trú cho du lịch được xếp hạng tại Việt Nam tăng 18% theo năm, đạt 420.000 phòng. Từ năm 2013 đến 2016, nguồn cung khách sạn 4-5 sao tăng trung bình 20% hàng năm.

Thời gian lưu trú trung bình thay đổi theo điểm đến phổ biến. Trong năm 2016, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế đến Nha Trang là 3,5 ngày, so với 2,8 ngày ở Đà Nẵng và 2,6 ngày ở Phú Quốc.

Trong năm 2016, các thành phố nghỉ dưỡng và đảo của Việt Nam đã vượt qua TP.HCM và Hà Nội trong tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn mới cho khách du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng khách đến 40%. Trong khi đó, Đà Nẵng trên 30%, và Nha Trang ở mức 23%, cũng vượt qua tốc độ tăng trưởng của TP.HCM (10%) và Hà Nội (19%).

Tuy nhiên, theo Bộ VH-TT&DL, trong năm 2016, có khoảng 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, chỉ bằng một nửa so với lượng khách đến những điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Malaysia. 

{keywords}
Sân bay quá tải ảnh hưởng tới phát triển du lịch

Mặc dù những con số tăng trưởng ngành du lịch khá ấn tượng nhưng thách thức hiện nay là hạ tầng sân bay, theo đại diện của Savills Việt Nam. TP.HCM bị quá tải 130% và Nha Trang là 320%. Sân bay Đà Nẵng hoạt động quá tải 113% mặc dù đã được nâng cấp vào năm 2011, từ 4,5 đến 6 triệu hành khách mỗi năm. Trong năm 2016, tổng lượng khách du lịch quốc tế di chuyển bằng đường hàng không đạt 8,2 triệu, chiếm hơn 80% lượng khách du lịch.

Trong hơn hai năm tới, Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sẽ tăng công suất từ 25 đến 38 triệu hành khách mỗi năm. Tới năm 2017, sân bay nội địa Đà Nẵng hiện công suất 9 triệu hành khách/năm sẽ được mở rộng để đón thêm 4-6 triệu hành khách mỗi năm.

Nha Trang đang bị chậm tiến độ, với dự án mở rộng sân bay Cam Ranh giai đoạn một bị trì hoãn từ đầu năm 2016 đến quý 1/2018. Với việc đón 4,8 triệu lượt khách trong năm 2016, công suất nâng cấp dự kiến 2,5 triệu hành khách mỗi năm sẽ không đủ đáp ứng ngay cả trong giai đoạn hiện tại.

Theo kế hoạch tổng thể của chính phủ, khoảng 5,6 tỷ USD sẽ được đầu tư để nâng cấp hạ tầng sân bay cho đến năm 2020. Nâng cấp hạ tầng là yếu tố then chốt để đánh giá khả năng phát triển du lịch, đặc biệt với sự phát triển của nguồn cung mới tăng 30% hàng năm trong 3 năm trở lại đây tại Đà Nẵng, Nha Trang và TP.HCM.

Duy Anh