Chỉ còn vài ngày nữa, trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, tiếng trống trường sẽ vang lên báo hiệu năm học mới bắt đầu. Ai cũng có một ngày khai trường để nhớ, VietNamNet mở diễn đàn Khai trường xưa – là nơi để độc giả tua lại một phần ký ức của mình, về kỷ niệm tự tay bọc vở bằng bìa báo cũ, mân mê vẽ trang trí cho chiếc nhãn vở hay thổn thức chờ đợi được mặt bộ quần áo mới đến lớp gặp lại bạn bè, thầy cô sau nhiều tháng ngày xa cách. 

Khi những làn gió heo may mang đến tiết trời se lạnh, lá vàng bay xào xạc, hoa sữa nồng nàn trên những con đường góc phố, ấy là lúc thu đã sang.

Mùa thu không chỉ đẹp đến nao lòng trước cảnh sắc thiên nhiên mà còn gợi cho con người ta nhiều cảm xúc bâng khuâng. Bởi đây cũng là thời điểm cả nước rộn ràng, náo nức chuẩn bị cho một mùa tựu trường mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của đời học sinh.

Lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày khai trường xưa...

Trong mỗi chúng ta, có lẽ hình ảnh về ngày khai trường đều không thể phai mờ. Với tôi, nó vẫn vẹn nguyên trong kí ức, chỉ cần một nút chạm là ùa về như một cuốn phim quay chậm…

Thế hệ đầu 7X của chúng tôi ngày ấy sinh ra và lớn lên hoàn cảnh đất nước còn bộn bề thiếu thốn và chồng chất khó khăn. Có được bữa ăn no hằng ngày cũng phải đánh đổi bằng bao vất vả, gian nan.

Một lễ khai giảng xưa. Ảnh tư liệu

Cuộc sống còn lam lũ đói nghèo nên việc chuẩn bị cho ngày khai trường của chúng tôi hồi đó cũng khác xa với học sinh bây giờ. Gần đến khai giảng, mẹ mới mua được vài thếp giấy đen thô ráp sần sùi. Có tờ vẫn còn cộm lên mẩu tre nứa hay bã mía do sản xuất thủ công chứ chưa có máy móc hiện đại như sau này.

Vở ô li thời ấy chủ yếu là 48 trang, dầy nhất mới là 96 trang dùng cho học trò lớp Vỡ lòng, lớp Một, lớp Hai để tập viết và rèn chữ. Còn học sinh cấp 2 dùng giấy thếp dòng kẻ ngang. Nhà có vài ba con đi học - bố mẹ cũng phải có nhiều sự cân nhắc, tính toán, để các con không tranh cãi nhau.

Giấy thếp thường san mỏng ra để đóng được nhiều quyển. Bìa được mua ngoài chợ về rọc ra, đo vừa khổ giấy để đóng. Nhiều nhà còn không mua được tờ bìa, phải dùng vỏ bao xi măng để đóng vở bọc sách giáo khoa cho con.

Vỏ bao xi măng ngày ấy cũng không dễ xin vì có ít nhà xây dựng, thế nên rất quý. Đóng vở là công đoạn khó nhọc nhất, có khi gãy đến mấy cái kim, chảy máu cả tay buốt nhói mới xuyên qua được. Đóng xong, chúng tôi cẩn bọc bìa để giữ cho vở khỏi quăn mép, giây mực.

Ngày ấy có được tờ báo hoặc tờ lịch treo tường để bọc là đẹp và sang lắm rồi, không lại dùng vỏ bao xi măng. Sau khâu đóng vở bọc bìa, chúng tôi chuẩn bị dán nhãn. Nhãn vở cũng tự làm, tự kẻ đường viền trang trí, rồi nắn nót viết tên. Không có hồ, chúng tôi phải dùng hạt cơm miết ra để dán. Đứa nào đứa ấy tíu tít chuẩn bị sách vở của mình. Mẹ chỉ ưu tiên hỗ trợ em nhỏ.

Nhà nào cũng có vài ba đứa con đi học, sắp đến khai giảng là cứ nhộn nhịp cả lên. Cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng việc học hành của con cái vẫn được ưu tiên hàng đầu. 

Ngoài chuẩn bị đủ vở ghi, mỗi đứa còn được mẹ mua cho lọ mực cải tiến và chiếc bút sắt có ngòi để chấm mực viết, mãi khi lên cấp 3 mới có bút máy bơm mực chứ không phải mang lọ mực đi như cấp 1, 2.

Sách giáo khoa cũng chỉ có một vài quyển chính là Toán, Văn, chủ yếu là dùng lại. Anh chị học trước để lại cho em hoặc xin/mượn của những người đã học xong. Đa số sách đã cũ nhàu, thậm chí mất trang, chằng chịt hình vẽ, lem nhem vết mực vì được truyền tay qua nhiều thế hệ.

Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến tâm trạng của học trò chúng tôi, có sách vở để học là vui lắm rồi. Chúng tôi lại tỉ mẩn vuốt ve từng trang rồi bọc bìa dán nhãn, thay màu áo mới cho sách, làm xong cứ nâng niu, ngắm nghía mãi không chán. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng chu đáo cho ngày khai giảng năm học mới.

Điều chúng tôi mong đợi hơn cả là có bộ quần áo mới để tung tăng cắp sách đến trường trong niềm vui tràn ngập của tuổi thơ. Hồi hộp, thao thức cả mấy đêm ngày để được mẹ cho đi chợ mua hoặc đưa đến nhà may để cắt, đứa nào cũng răm rắp vâng lời bố mẹ, làm đủ mọi việc nhà để được mua quần áo mới.

Đúng là “Già được bát canh, trẻ manh áo mới”, không gì vui và hân hoan hơn thế. Hầu như đứa nào cũng để dành đến khai giảng mới chưng diện, khoe các bạn. Sau ba tháng nghỉ hè trọn vẹn, xa trường lớp, thầy cô, bè bạn, ai cũng nhớ đến nôn nao, tính đếm từng ngày để được gặp nhau, chẳng khác nào mong đến Tết.

Rồi ngày đó cũng đã đến. Cả đêm trước ngày khai giảng, gần như đứa nào cũng trằn trọc khó ngủ, chỉ mong cho trời thật nhanh sáng để đến trường. Mới sớm tinh mơ tôi đã bật dậy, ăn vội bát cơm nguội hay củ khoai củ sắn mẹ phần từ tối hôm trước rồi mặc bộ quần áo mới tự đi bộ đến trường.

Chỉ có em nhỏ lớp đầu cấp (Vỡ lòng) mới được người lớn đưa đi. Có em tự đi cùng anh chị, không cần phải ai đưa đón. Khai trường ngày ấy của chúng tôi giản đơn hơn bây giờ nhiều. Trường lớp cũng chỉ là tường đất mái tranh, sau mới có tường xây mái ngói, không có cờ hoa rực rỡ, băng rôn khẩu hiệu và bóng bay rợp trời nhưng không vì thế mà kém phần vui tươi, ấm áp, trang trọng.

Ngược lại, đối với chúng tôi, đây là buổi lễ thiêng liêng và quan trọng nhất nên ai cũng cảm thấy rất háo hức, hồi hộp, mong đợi. Gặp lại bạn bè, đứa nào đứa nấy ríu rít như chim, dắt tay nhau, chụm đầu lại đo xem ai cao hơn sau ba tháng nghỉ hè. Bao tình cảm dồn nén, giờ đây như òa vỡ, vui không kể xiết! 

Cô giáo Phạm Thị Hường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiếng trống trường giòn giã vang lên như thúc giục, gọi mời, học sinh các lớp nhanh chóng xếp hàng theo chỉ dẫn của thầy cô. Sau tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” là nghi thức chào cờ. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong làn gió mùa thu.

Bài Quốc ca trang nghiêm được cả trường đồng thanh hát làm cho không khí thật thiêng liêng, xúc động bồi hồi. Lời phát biểu và dặn dò ân cần tràn đầy tình yêu thương của thầy hiệu trưởng đã truyền thêm động lực cho mỗi học trò tinh thần ham học và quyết tâm phấn đấu. Buổi lễ khai giảng kết thúc bằng hồi trống chào mừng năm học mới của thầy hiệu trưởng.

Hồi trống gióng giả như thôi thúc ngân vang, náo nức lòng người, giờ đây vẫn còn vang vọng trong tâm trí. Sau buổi lễ, cô chủ nhiệm đưa chúng tôi trở về lớp. Sự ân cần của cô đã xua đi cảm giác lo sợ, cảm thấy thêm yêu mến gắn bó với trường lớp, thầy cô, bạn bè hơn. 

Mùa tựu trường của những năm tháng học trò xưa đã đi qua từ lâu nhưng kí ức về thời niên thiếu, ngôi trường quê yêu dấu vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Để rồi mỗi độ thu về, nhìn hình ảnh các em nhỏ hồn nhiên ngây thơ trong bộ đồng phục mới vô cùng đáng yêu, trên tay cầm lá cờ bé xíu đỏ tươi và những bông hoa nhiều màu sắc vẫy chào trong buổi lễ khai giảng, lòng tôi lại nao nao...

Nhớ lắm ngày khai trường tuổi thơ!

Phạm Thị Hường (Giáo viên Trường THCS Phú Diễn, Hà Nội)

Ai cũng có một ngày khai trường để nhớ, quý độc giả có thể chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm ngày đặc biệt này của mình về email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn.