Việt Nam là quốc gia biển với chiều dài bờ biển hơn 3.260km, với vùng đặc quyền kinh tế hơn một triệu ki-lô-mét vuông và hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Đường bờ biển chạy theo hướng bắc-nam, nằm kề các tuyến đường biển quốc tế quan trọng của thế giới.

Nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú, với khoảng 11 nghìn loài sinh vật thủy sinh và 1.300 loài sinh vật trên đảo, trong đó có 110 loài cá kinh tế, hơn 2.500 loài động vật thân mềm, 600 loài rong biển. Trong các vùng biển và thềm lục địa ở nước ta, nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí đã xác định được với tổng trữ lượng khá lớn cùng với nhiều loại khoáng sản khác. Vùng biển Việt Nam còn là nơi có các nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng như thủy triều, sóng và gió.

Với lợi thế nêu trên, không gian biển và hải đảo của Việt Nam cung cấp một nguồn tài nguyên to lớn cho sự phát triển của các ngành kinh tế.

Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, bên cạnh đó môi trường biển đang dần bị ô nhiễm trầm trọng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phần lớn vẫn là do những tác động đến từ con người, chẳng hạn như: xả rác bừa bãi, xả thẳng chất thải ra môi trường mà không qua xử lý.

Trong bối cảnh đó, nhân Ngày Đại dương thế giới vừa được Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Hành tinh đại dương - Thủy triều đang thay đổi", Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam theo chủ đề "Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo".

W-biendong-11.png
Ảnh minh hoạ

Hưởng ứng các sự kiện nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương; của tài nguyên, môi trường biển, đảo trong phát triển bền vững của đất nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các đảo; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trên biển, vùng biển ven bờ; đặc biệt là hoạt động nhấn chìm, xả nước thải vào môi trường biển… giám sát chặt các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực ứng phó sự cố của tàu, thuyền hoạt động trên biển hoặc đi qua các vùng biển Việt Nam.

Mặt khác, đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền, nhất là từ các lưu vực sông, từ các vùng canh tác nông nghiệp ven biển phải được tiến hành đồng thời với việc đẩy mạnh lập kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm vùng ven biển. Các ngành, địa phương cần coi trọng phát hiện, biểu dương và khen thưởng, vinh danh kịp thời các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Trần Quốc Huy, Nguyễn Thu Hà