Sáng 19/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã cắt băng khánh thành phòng lab mạng di động thế hệ thứ 4 (4G) tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Phòng lab này là một mạng 4G LTE hoàn chỉnh với đầy đủ các dịch vụ cơ bản do tập đoàn Viettel nghiên cứu, phát triển và trao tặng cho học viện.
Cuộc gọi thử nghiệm tại phòng Lab 4G mới khai trương của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Trọng Đạt |
Các hệ thống chính tại phòng lab gồm trạm thu phát sóng eNodeB, hệ thống chuyển mạch gói EPC (Evolved Packet Core), hệ thống cung cấp các dịch vụ truyền thông đa phương tiện trên nền mạng IP - IMS (IP Multimedia Subsystem) và hệ thống tính cước thời gian thực OCS (Online Charging System).
Thông qua phòng lab 4G vừa được khai trương, giảng viên và sinh viên học viện có thể thực hiện việc mô phỏng cuộc gọi End to End, mô phỏng truy cập website và lưu lượng di động, tính cước dịch vụ thoại, data, thực hiện thủ tục Handover với các giao diện mạng LTE: S1, S6a, S5/S8, S10, Gx, Gy…
Phòng Lab này là một mạng 4G LTE hoàn chỉnh cho phép cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản của mạng viễn thông di động thế hệ thứ 4. Ảnh: Trọng Đạt |
Với tổng giá trị đầu tư lên đến 8,5 tỷ đồng, đây là phòng thí nghiệm mạng 4G LTE hoàn chỉnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được trang bị cho một trường đại học để nghiên cứu.
Doanh nghiệp, nhà trường chung tay kiến tạo xã hội số
Ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Viettel phát biểu, sáng kiến xây dựng phòng lab nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, những người vừa ra trường và những người đã, đang khai thác mạng lưới.
Việc đầu tư vào phòng lab cũng là cách để Viettel tự giúp mình. Thông qua hệ thống này, sinh viên sẽ được đào tạo sát với thực tế hơn. Đây sẽ là nguồn tài nguyên con người quý báu mà Viettel có thể khai thác.
“Việc học bằng hệ thống mô phỏng sẽ giúp sinh viên ra trường có thể làm việc ngay, rút ngắn thời gian phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, việc cho các bạn sinh viên tiếp xúc với hệ thống thực cũng sẽ kích thích sự sáng tạo và mở ra những cơ hội mới cho tập đoàn. Những ý tưởng sáng tạo này chỉ có thể bắt nguồn từ hệ thống mô phỏng của các bạn sinh viên bởi điều này không dễ để có thể thử nghiệm trên hệ thống thực.”, ông Thắng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm phòng Lab 4G vừa đi vào hoạt động tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Trọng Đạt |
Không những thế, sự kiện này còn gửi thông điệp đến sinh viên: Muốn Việt Nam phát triển, phải nghiên cứu, làm chủ, sản xuất phần mềm, công nghệ cao.
Hiện nay, 5G đang được thử nghiệm ở những bước cuối. VN sẵn sàng sánh ngang với các nước trên thế giới. Bộ TT-TT đã đưa ra tầm nhìn chiến lược về phát triển công nghệ số VN với tinh thần: Hợp tác nhưng không phụ thuộc doanh nghiệp công nghệ nước ngoài; vừa nghiên cứu làm chủ công nghệ.
Phòng lab là minh chứng của việc doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học để kiến tạo xã hội số Việt Nam bằng việc làm chủ công nghệ số.
Thay đổi căn bản về chất trong giáo dục
Chia sẻ tại buổi khánh thành, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây là sự thay đổi căn bản về chất trong lĩnh vực giáo dục đại học. Nhờ phòng lab này, các bạn sinh viên có thể thiết lập nên một mạng lưới viễn thông hoàn chỉnh.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, việc đưa phòng lab 4G vào hoạt động là giấc mơ của nhiều thế hệ ngành viễn thông Việt Nam. Trên thế giới có rất ít quốc gia làm được điều này.
Ngoài kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, sự kiện này truyền đi thông điệp về việc Việt Nam đã làm chủ được hạ tầng viễn thông. Sự kiện này cũng đánh dấu việc tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp vào trong các trường đại học.
Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ TT&TT, nhiều bạn sinh viên cho biết nguyện vọng được thực hành nhiều hơn trên các thiết bị viễn thông đời mới. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Bộ trưởng, việc đưa vào vận hành phòng lab sẽ giúp sinh viên được tiếp xúc gần hơn và có thêm những kinh nghiệm thực tế. Các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ có lợi lớn khi giảm bớt gánh nặng phải đào tạo lại.
Sinh viên trong quá trình học tập tại phòng lab có thể phát hiện lỗi của hệ thống hoặc sáng tạo thêm các ứng dụng mới, điều mà doanh nghiệp lớn rất khó dám thử.
Thông qua việc đầu tư vào hệ thống phòng lab của các trường đại học, doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh của mình.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn tập đoàn Viettel giữ mối liên hệ thường xuyên với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để giúp trường giảm bớt độ trễ về công nghệ xuống chỉ còn 1 năm so với thực tế, thay vì độ trễ 30 năm như trước đây.
Trọng Đạt
Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Học viện Công nghệ BCVT
Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, tạo ra cơ hội cho một số đại học bứt phá vươn lên thành đại học hàng đầu. Số ít đó là các nước, các đại học dám đi đầu.