Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà, sau thời gian triển khai thực hiện mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao bằng lồng bè HDPE tại vùng nuôi ở các xã Cam Lập, Cam Bình thuộc TP Cam Ranh, kết quả nghiệm thu cho thấy, việc phát triển nuôi biển bằng lồng bè HDPE đã giúp các hộ dân tham gia đề án nâng cao năng suất và lợi nhuận; lồng bè có khả năng chịu được sóng gió, nền cá nuôi sinh trưởng tốt. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt 172% đối với nuôi cá bớp, đạt 112% đối với nuôi tôm hùm và 131% đối với mô hình nuôi cá mú.
Việc thí điểm nuôi biển công nghệ cao bằng lồng bè HDPE được tỉnh Khánh Hoà triển khai và xây dựng đề án từ năm 2022. Theo đó, mô hình đã tiến hành hỗ trợ cho 10 hộ dân nuôi biển công nghệ cao bằng lồng bè HDPE tại vùng nuôi ở các xã Cam Lập, Cam Bình.
Kết quả trên chính là cơ sở để Khánh Hoà tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, Khánh Hoà cần nghiên cứu xây dựng đề án về giải pháp mở rộng mô hình thí điểm.
Cụ thể như khảo sát, xác định rõ các vùng nuôi trồng thủy sản có tiềm năng; rà soát, thống kê, phân loại các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại các địa phương; quy hoạch vùng nuôi, giao khu vực biển, xác định vị trí nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân; nghiên cứu đề xuất các chính sách về bảo hiểm, chính sách tín dụng nuôi biển công nghệ cao; xác định hệ tiêu chí lồng bè công nghệ cao và tiêu chí kiểm định lồng bè công nghệ cao; kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp để nghiên cứu thức ăn, con giống trong nuôi trồng thủy sản; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi biển công nghệ cao; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để giải quyết đối với những vấn đề về hậu cần, hạ tầng nuôi biển, thị trường tiêu thụ, nuôi biển kết hợp du lịch…
Đồng thời tỉnh cũng mong muốn các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hàng đầu trên địa bàn tỉnh liên kết với các hộ nuôi trong tỉnh để phát triển nuôi biển công nghệ cao.