- Các trọng tâm quyền lực kinh tế và quân sự đang thay đổi từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Một phương Đông với châu Á làm trọng tâm chưa bao giờ quan trọng đến như vậy trong trật tự quốc tế.
Hàng loạt tuyên bố, động thái, chính sách và biện pháp thực thi của các cường quốc như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2012 cho thấy khu vực này tiếp tục là nơi phát triển năng động, có tầm quan trọng chiến lược, thu hút sự quan tâm của toàn cầu.
“Tái cân bằng” Mỹ
Thực thi chiến lược "xoay trục" từ Trung Đông sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay sau khi tái đắc cử đã công du tới Đông Nam Á. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tới khu vực này.
Việc bộ ba quyền lực Mỹ hầu như cùng
lúc xuất hiện ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm qua cho thấy xu thế đẩy mạnh
thực thi chiếc lược “xoay trục” của Mỹ. Đó là củng cố hiện diện tại các diễn đàn
Thượng đỉnh Đông Á, củng cố ảnh hưởng tại ASEAN, ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN).
Bên cạnh đó là nỗ lực tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống (Thái Lan, Philippines, Singapore, Australia, New Zeland, Afghanistan), lập cơ chế Đối thoại chiến lược với Singapore, tranh thủ tạo ảnh hưởng với các nước có quan hệ gần gũi với Trung Quốc như Myanmar, Campuchia, Lào…
Dẫu cho Ngoại trưởng H.Clinton
khẳng định, không có sự thay thế nào cho sức mạnh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình
Dương nhưng chiến lược xoay trục của Washington mới chỉ đang cho thấy xu thế
củng cố về mặt chính trị, an ninh nhiều hơn, trong khi “đối trọng” của Mỹ ở khu
vực này không ngừng tạo thế chân kiềng ảnh hưởng cả trên mặt chính trị, kinh tế.
Khuếch trương ảnh hưởng
Trung Quốc đang không tiếc tiền của, công sức gây dựng hình ảnh ở châu Á trong sự quan ngại ngày một lớn về tốc độ nâng cấp quan hệ quân sự giữa Washington với các nước láng giềng của Bắc Kinh như Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn là những nước có đụng độ với Bắc Kinh xung quanh vấn đề chủ quyền hàng hải…
Điều dễ nhận thấy là Bắc Kinh đang vận dụng tiềm lực kinh tế, viện trợ, đầu tư, thương mại để củng cố ảnh hưởng tại khu vực.
Và khi Mỹ nỗ lực thực hiện trục xoay châu Á, Trung Quốc cũng đang xem xét lại mối quan hệ của họ với khu vực mà họ coi là sân sau.
Bắc Kinh đang xúc tiến các thỏa thuận thương mại với Nhật và Hàn Quốc, tích cực mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia Đông Nam Á như Lào và Myanmar. Tuy nhiên, việc mở rộng sức mạnh mềm ở khu vực của Trung Quốc gặp cản trở do có các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ căng thẳng với một số quốc gia.
Nga điều chỉnh chính sách
Sau lúc nhậm chức, ông Putin đã ký kết một sắc lệnh tổng thống để thành lập Bộ Phát triển Viễn đông, đồng thời ban hành sắc lệnh "Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại" của LB Nga khẳng định nhóm 3 nước đối tác chiến lược quan trọng nhất ở châu Á - Thái Bình Dương là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Việc chọn châu Á là hành trình của chuyến công du đầu tiên (Uzbekistan, Trung Quốc và Kazakhstan) của Putin sau khi trở lại cương vị ông chủ Kremlin cũng là ngụ ý cho thấy những ưu tiên của Nga cho sự liên kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với Việt Nam, lần đầu tiên, LB Nga đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm khu tự trị Nenets và dự lễ đón dòng dầu đầu tiên tại khu mỏ Tây Khosedayuskove của liên doanh dầu khí Rusvietpetro. Sự bền vững, sâu sắc, thực chất của mối quan hệ thể hiện ở việc hai bên đưa ra hàng loạt chính sách hợp tác ở vùng Viễn Đông của Nga.
Ấn Độ hướng Đông
Chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ đã hướng tới cam kết cấp cao hơn với các quốc gia và vùng lãnh thổ "lo ngại Trung Quốc" (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Australia). Sự hiện diện vượt trội của New Delhi trong năm 2012 tại Thái Bình Dương là các cuộc tập trận hải quân thường kỳ, các cuộc viếng thăm cảng, các cuộc đối thoại an ninh, và hơn một chục thỏa thuận hợp tác quốc phòng.
Việc ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản và ASEAN, cộng với sự tích cực của Ấn Độ khi tham gia các diễn đàn đa phương như hội nghị thượng đỉnh Đông Á và các hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN +8, cũng đã tăng cường các quan hệ chiến lược giữa New Delhi với khu vực. Ấn Độ còn chủ động xây dựng các thể chế liên khu vực nhằm làm vành đai hỗ trợ làm cầu nối cho quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á.
Quyết tâm của Ấn Độ trong nỗ lực củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và Việt Nam, cam kết theo đuổi cùng khai thác dầu với Việt Nam tại Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, và nhấn mạnh đến tự do hàng hải, là những dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang vận động để được xem là một đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc tại Đông Á. New Delhi cũng tăng cường các quan hệ quốc phòng với Tokyo, Seoul và Canberra.
Úc: Hướng về châu Á
Sách Trắng “Australia trong thế kỷ châu Á” được nước này ban hành đặt ra 25 mục tiêu quốc gia cho đến năm 2025, từ việc cải thiện các mối quan hệ thương mại với châu Á đến việc tăng cường giảng dạy ngôn ngữ một số nước châu Á.
Hướng về châu Á chính là mục tiêu ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Australia. Và 2012 là thời điểm thuận lợi cho Canberra - khi đồng minh lớn nhất và lâu năm là Washington đang thực hiện chính sách xoay trục hướng về châu Á - Thái Bình Dương.
Thái An