Ngày 1/2/2024, tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ 4 (Singapore), nền tảng Nông nghiệp số được vinh danh đạt giải Bạc - Giải thưởng ASEAN Digital Awards 2024, một trong những giải thưởng lớn nhất của khu vực về lĩnh vực CNTT.

ASEAN Digital Awards - ADA (trước đây là ASEAN ICT Awards - AICTA) là một trong những giải thưởng lớn nhất và uy tín nhất dành cho các phần mềm, giải pháp CNTT đến từ các quốc gia ASEAN. Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2012, các đề cử được chấm và đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe bởi Hội đồng giám khảo là lãnh đạo Bộ TT&TT đến từ 10 nước ASEAN. 

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp ICT (Bộ TT&TT), giám khảo giải thưởng ADA 2024 cho biết, kể từ lần đầu giải thưởng được tổ chức với tên gọi cũ là ASEAN ICT Award - AICTA năm 2012 cho đến nay, Việt Nam đã nhiều lần đạt giải cao, song năm nay là lần đầu đoàn Việt Nam có thành tích cao nhất. Quá trình chấm vòng Chung khảo của giải thưởng ASEAN Số 2024 tại Singapore, các chuyên gia quốc tế đã đánh giá cao các sản phẩm, giải pháp công nghệ số của Việt Nam.

Không chỉ dẫn đoàn doanh nghiệp có sản phẩm vào Chung khảo sang Singapore dự vòng thi cuối, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến với sân chơi ASEAN số 2024 của nhóm cán bộ Bộ TT&TT đã bắt đầu từ khoảng 6 tháng trước, khi giải thưởng được phát động, tiếp nhận hồ sơ.

‏Vượt qua vòng hồ sơ, vòng đánh giá trong nước của Bộ TT&TT Việt Nam, vòng sơ loại của Hội đồng Giám khảo quốc tế, nền tảng nông nghiệp số MobiFone - mobiAgri đã trở thành 1 trong 4 đề cử của Việt Nam tham gia vòng Chung kết (thuyết trình) tại Singapore ngày 31/1 vừa qua.

mobifone.jpg
mobiAgri giành giải Bạc tại Giải thưởng ASEAN Digital Awards 2024.

Tranh tài tại hạng mục Digital Inclusivity, mobiAgri nhận được đánh giá cao từ Hội đồng Giám khảo là các đại diện cho 10 quốc gia ASEAN và 3 quốc gia khách mời đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, bởi mobiAgri đem đến nhiều tính năng nổi bật và hiệu quả cho người nông dân. Cụ thể, mobiAgri có tính năng kiểm tra sức khỏe cây trồng bằng trí tuệ nhân tạo AI, hỗ trợ công tác chẩn đoán và cách điều trị sâu bệnh hại với khả năng nhận diện hơn 5.000 loại cây trồng khác nhau và hơn 700 tác nhân gây hại và sâu bệnh. Bên cạnh đó, mobiAgri  còn kết nối với phần hỏi đáp cùng chuyên gia, đăng ký tư vấn trực tiếp khi gặp phải vấn đề trong sản xuất. mobiAgri còn có tính năng khuyến cáo nông vụ và dự báo thời tiết chuyên sâu giúp người dùng có thể đưa ra kế hoạch sản xuất chính xác và hiệu quả nhất. 

Đại diện MobiFone cho hay, đội ngũ phát triển đã chứng minh được tính ứng dụng thực tiễn của mobiAgri thông qua các con số ấn tượng của sản phẩm dù mới chỉ ra mắt vào đầu năm 2022. 

Hạng mục Hòa nhập số tập trung vào các dự án, sáng kiến sử dụng công nghệ để thúc đẩy sự hòa nhập và tiếp cận kỹ thuật số cho các nhóm yếu thế trong xã hội, bao gồm cả bà con nông dân. Với giải Bạc lần này, mobiAgri khẳng định vai trò trong việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thu hẹp khoảng cách số và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân.

“Nông nghiệp kỹ thuật số rất quan trọng ở Việt Nam và với tư cách là một công ty viễn thông hàng đầu, chúng tôi rất vinh dự được chọn cho Giải thưởng Kỹ thuật số ASEAN 2024. Sự công nhận này thúc đẩy chúng tôi duy trì cam kết hỗ trợ nông dân Việt Nam đón nhận kỷ nguyên kỹ thuật số. Với mạng lưới toàn quốc, chúng tôi tận tâm ưu tiên khách hàng, cung cấp các sản phẩm giá cả phải chăng và đóng góp cho tiến bộ xã hội,” ông Hoàng Thanh Phúc, Trưởng phòng Phát triển dịch vụ Nông nghiệp mobiAgri chia sẻ.

Đại diện MobiFone khẳng định, năm 2024, mobiAgri tiếp tục hành trình kiến tạo một nền nông nghiệp Việt Nam 4.0 với cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để mang đến những giải pháp công nghệ sáng tạo, hiệu quả, giúp bà con nông dân canh tác thông minh, nâng cao năng suất và thu nhập.

mobifone 1.jpg
Bà con nông dân cài đặt ứng dụng mobiAgri để phục vụ cho sản xuất.

Cho đến thời điểm này, khá nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam tuyên bố nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao như: Hoàng Anh Gia Lai, Hoà Phát, Thaco, VNPT, MobiFone...

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức khá lớn như nhu cầu lương thực, thực phẩm không ngừng tăng do dân số ngày càng tăng; diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do xu hướng đô thị hóa; sự diễn ra mạnh mẽ của biến đổi khí hậu; quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản không ngừng tăng cao. 

Những thách thức trên đòi hỏi nông sản Việt Nam phải không ngừng gia tăng về sản lượng và nâng cao về chất lượng. Do đó, việc áp dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu trong nông nghiệp và là giải pháp giải quyết những thách thức cho nền nông nghiệp nước nhà.

nong nghiep so.jpg

“Nông nghiệp số trong thời đại 4.0 là ngành tinh vi nhất trong tất cả các ngành. Nông nghiệp động đến bí mật quan trọng nhất của cuộc sống, đó là công nghệ sinh học, công nghệ gen và đó chính là số. Nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó, từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể đặt câu hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết. Trước nay nông dân thường đi bắt sâu, lúc nhìn thấy thì bắt được nhưng không bao giờ nhìn thấy hết. Để chọn cách an toàn, bà con phải phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, làm cho nông sản của Việt Nam bẩn hơn, giá thấp. Chúng ta phải nghiên cứu khoa học công nghệ để có thể thả một máy bay không người lái (drone) bay trên những thửa ruộng. Các thiết bị chuyên dụng sẽ tự chụp ảnh cánh đồng và trí tuệ nhân tạo tự đọc bức ảnh đó, phát hiện những vị trí có sâu. Loại sâu đó trị bằng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu thì máy tính sẽ báo cho nông dân biết nên lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể giảm đi hàng trăm lần”, ông Trương Gia Bình nói.

"Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp, chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh và kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam có thể giàu vì nông nghiệp số.