Đại gia kéo vợ và em ruột cùng phạm tội
Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, quê ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) xuất thân là nhân viên môi giới bất động sản, dần gây dựng, điều hành một tập đoàn lừa đảo.
Ngồi ghế chủ tịch, Luyện để em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh làm Tổng giám đốc, còn em út cũng tham gia là cổ đông công ty.
Riêng vợ là bà Võ Thị Thanh Mai được Luyện giao làm Giám đốc tài chính, phụ trách pháp lý của Công ty CP địa ốc Alibaba, đảm nhiệm vai trò giám đốc của một số công ty con được lập ra để phục vụ cho mục đích lừa đảo.
Chỉ một thời gian ngắn, địa ốc Alibaba nổi lên thành một hiện tượng không giống ai. 4 tháng sau khi thành lập, từ vốn điều lệ 1 tỷ đồng, Luyện công bố con số này là 20 tỷ đồng.
Khoảng 1 năm sau, Luyện công bố vốn điều lệ công ty lên đến 1.600 tỷ đồng. Trong đó, Luyện nắm đến 80% cổ phần. 20% còn lại là các thành viên gia đình cùng một số người khác.
Tháng 12/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm. Trong vụ án này, vợ của Chủ tịch Công ty CP địa ốc Alibaba cùng em gái bị đề nghị truy tố tội Rửa tiền.
Theo CQĐT, Công ty CP địa ốc Alibaba với danh nghĩa kinh doanh bất động sản nhưng bản chất là lừa đảo, huy động vốn theo hình thức đa cấp và dùng các dự án ma làm mồi nhử khiến khách hàng sập bẫy.
Luyện giao cho người nhà, nhân viên thân tín thu mua các khu đất nông nghiệp có diện tích lớn rồi tự vẽ dự án ma. Tất cả những khu đất được quảng bá đều chưa được cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép xây dựng và chưa có chủ trương cấp phép làm dự án.
Luyện và đồng bọn đã lập 22 công ty cho những nhân viên thân tín đứng tên, đặt trụ sở ở khắp nơi. Các công ty này là pháp danh để ký hợp đồng, nhận tiền của khách hàng. Dòng tiền có được từ các dự án ma được chuyển về công ty chính, là Công ty CP địa ốc Alibaba.
Nguyễn Thái Luyện giao cho vợ và em ruột phối hợp cùng kế toán dùng một phần tiền để vận hành hệ thống, trả lương nhân viên, mua các khu đất vẽ dự án ma… và phần lớn để chuyển lòng vòng, che giấu nguồn gốc thực sự.
Tập đoàn lừa đảo này đã khiến 3.924 khách hàng bị lừa, chiếm đoạt 2.373 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu hồi, kê biên nhiều tài sản có giá trị ước tính gần 1.500 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án, khắc phục hậu quả sau này.
Theo CQĐT, vốn điều lệ tại địa ốc Alibaba và các công ty con như Luyện công bố đều là con số ảo. Luyện là “trùm cuối”, người đạo diễn toàn bộ việc lập ra 22 công ty con ở khắp nơi nhằm phục vụ cho hành vi lừa đảo tinh vi.
Richkid nhúng chàm theo cha
Trước khi bị bắt, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Chủ tịch Đỗ Anh Dũng được biết đến bởi các dự án bất động sản hạng sang tại Hà Nội và TP HCM. Từ năm 2006 đến nay, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư vào các dự án căn hộ siêu sang tại những khu “đất vàng” ở các thành phố lớn.
Ngày 5/4, cái tên Đỗ Anh Dũng được nhắc đến trên nhiều mặt báo khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 7/2021- 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng để huy động tiền của nhà đầu tư, nhưng không dùng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Liên quan đến vụ án, 6 bị can khác, trong đó có con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh) cũng bị bắt.
Đỗ Hoàng Việt (SN 1994), là con trai thứ hai của ông Đỗ Anh Dũng, từng học chuyên ngành Kinh tế ở nước ngoài, tốt nghiệp bằng xuất sắc chuyên ngành Đầu tư Bất động sản tại Đại học New York.
Để đảm bảo hoạt động bình thường của công ty, ông Đỗ Anh Dũng đã ủy quyền cho con trai cả là Đỗ Hoàng Minh (Phó TGĐ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh) điều hành Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ông Trịnh Văn Quyết và em gái bị khởi tố
Trước khi bị bắt để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) từng sở hữu quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.851 tỷ đồng, giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2017.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, hành vi thao túng thị trường chứng khoán của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC thực hiện từ đầu tháng 12/2021, kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022. Đây là phiên giao dịch mà ông Trịnh Văn Quyết đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.
CQĐT cho rằng, ông Quyết đã vẽ ra một "kịch bản" khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia "thổi giá" cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên mức cao để "lùa gà" rồi bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.
Bị can Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác dùng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc "làm giá".
Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.
Ngay sau khi ông Quyết bị bắt, CQĐT tiếp tục khởi tố bà Trịnh Thị Thúy Nga, em gái ruột ông Quyết để điều tra hành vi giúp sức cho anh trai thao túng chứng khoán. Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bà Nga là Phó TGĐ Công ty Chứng khoán BOS.
Rồi bà Trịnh Thị Minh Huế, thành viên Ban kế toán Tập đoàn FLC, một người em gái ruột khác của ông Trịnh Văn Quyết, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.
T.Nhung