Về lý thuyết, các bãi biển ở Việt Nam là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân; nhưng trên thực tế, không ít bãi biển đẹp đã rơi vào tay những ông chủ, người dân (không tiền) muốn tiếp cận rất khó.

Theo TS. Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM, bãi biển thuộc loại tài sản quốc gia - vì nó không phải của riêng thế hệ này mà còn là của hàng bao thế hệ cha ông cũng như của thế hệ mai sau. Thế nhưng hiện tượng phân lô bãi biển rồi giao cho tư nhân đầu tư resort, khách sạn… đã và đang diễn ra khá phổ biến.

Như ở Mũi Né (Bình Thuận), người dân vạn chài ven biển phải nhường đất, không gian bờ biển cho các ông chủ xây khách sạn, resort. Ở Lăng Cô (Thừa - Thiên Huế), ngư dân muốn ra biển hành nghề phải đi [nhờ] qua đất dự án khu du lịch. Còn ở Nha Trang, Đà Nẵng… người dân khó tiếp cận những vị trí đẹp nhất của bờ biển vì resort, khách sạn đã án ngữ.

Việc cho phép tư nhân thuê tài sản công tạo ra sự không công bằng trong thụ hưởng tài sản quốc gia giữa người giàu và người nghèo.

Có thể thấy các dự án resort, khách sạn… ven biển mọc lên càng nhiều thì không gian công cộng bãi biển càng bị thu hẹp. Câu chuyện resort Ana Mandara (Nha Trang) ngăn cản người dân, du khách tiếp cận bờ biển trước khách sạn của mình mới đây là một minh chứng. Dù nhiều ý kiến cho rằng việc làm của khách sạn là sai, nhưng chủ khách sạn vẫn khẳng định, họ “có quyền” vì đã trả tiền thuê đất cho chính quyền.

{keywords}
Ảnh: Kinh Luân/ TBKTSG

Thực tế thì các dự án khách sạn, resort, khu du lịch nằm ở vị trí mặt tiền các bãi biển đều có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, dù khẳng định bãi biển là tài sản công nhưng chính quyền tỉnh Khánh Hòa cũng khó lòng xử lý được việc tự bảo vệ không gian bờ biển “riêng tư” của chủ resort Ana Mandara. Rõ ràng, các resort, khách sạn “nuốt chửng” một phần không gian công cộng bờ biển hàng năm có đóng góp vào ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, việc cho phép tư nhân thuê tài sản công, tài sản sở hữu toàn dân, đã tạo ra sự không công bằng trong thụ hưởng tài sản quốc gia - không gian công cộng bờ biển - giữa người giàu và người nghèo (người nghèo mất cơ hội tiếp cận bờ biển đẹp đã được tư nhân hóa).

Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, cho rằng đã là tài sản quốc gia thì phải có ý kiến của người dân nếu muốn cho tư nhân thuê, có thể thông qua Quốc hội.

Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, việc cho thuê bờ biển ở nhiều địa phương đang phá vỡ không gian nhiều bãi biển đẹp. Như dự án phát triển bãi biển Phoenix của Công ty TNHH Dewan International Việt Nam (đang bị dư luận lên án) như muốn “nuốt chửng” không gian bãi biển Nha Trang; resort ở Mũi Né thì lấn sát ra mép biển, xóa sổ không gian công cộng…

Mới đây, để tăng cường quản lý đầu tư xây dựng các dự án ven biển, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các tỉnh, thành có bờ biển báo cáo thực trạng các dự án ven biển của địa phương mình. Chỉ tổng hợp báo cáo của bảy tỉnh, thành là Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang đã có đến 780 dự án (37.598 héc ta), trong đó có 455 dự án đã và đang triển khai (12.769 héc ta) và 310 dự án chưa triển khai (24.798 héc ta).

Sau khi đánh giá, Bộ Xây dựng nhận thấy vấn đề quản lý các dự án ven biển có nhiều bất cập, như quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ, dự án đầu tư dàn trải, bám quá sát bờ biển, thiếu không gian công cộng; quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án “treo”, gây lãng phí đất đai; việc lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực ven biển chưa được triển khai nghiêm túc…

Do đó, hàng loạt giải pháp đã được Bộ Xây dựng đề xuất như: rà soát công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch; phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng; tạm dừng các dự án để điều chỉnh cho phù hợp hoặc thu hồi giấy phép xây dựng theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc quản lý quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, quản lý đầu tư xây dựng tại dự án ven biển, đặc biệt là công tác công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng để người dân địa phương cùng tham gia kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ bờ biển, bãi biển là tài sản quốc gia; quyền tiếp cận, hưởng thụ không gian bờ biển là quyền của mọi công dân thì các dự án ven biển phải được quy hoạch theo hướng không xâm phạm đến không gian chung dành cho mọi công dân.

Kinh nghiệm tham khảo: quy hoạch bãi biển Sihanoukville

Ở Campuchia, Chính quyền Sihanoukville quy hoạch một con đường chạy dọc bờ biển nhưng cách bãi cả trăm mét. Phía bên trong con đường họ cấp phép cho các dự án khách sạn, resort; còn phía ngoài con đường họ xây dựng công viên cây xanh - công cộng - với chiều rộng hàng chục mét chạy dài theo bãi biển; giữa công viên với bãi biển là rất nhiều lối đi dẫn ra biển và dãy ki-ốt phục vụ các nhu cầu của người dân, du khách tiếp cận bãi biển.

Với cách quy hoạch của Sihanoukville chính quyền vẫn thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khách sạn, resort; chính quyền vẫn thu được thuế nhưng không gian bờ biển vẫn được bảo đảm cho mọi người dân và du khách đến vui chơi và tiếp cận thoải mái. Môi trường kinh doanh chính quyền Sihanoukville tạo ra cho các nhà đầu tư là công bằng - không có nhà đầu tư nào “chiếm” được vị trí bờ biển đẹp để xây resort và cũng không có nhà đầu tư nào bị thiệt vì khách sạn của mình nằm ở vị trí bãi biển xấu.

 Quang Chung (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)