Mới đây, Công ty TNHH xe đạp Excel có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc , chuyên lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu, bị phát hiện một việc tày đình.

Các công chức của Cục Kiểm tra sau thông quan đã phát hiện công ty này nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh; các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào và xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi.

{keywords}
Lô xe đạp của Công ty Excel bị Hải quan phát hiện gian lận xuất xứ.

Đối chiếu các quy định về xuất xứ hàng hóa, Cục Kiểm tra sau thông quan xác định các sản phẩm của công ty, mới chỉ thành lập năm 2018, không đủ tiêu chí để xác định là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. "Công ty đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình", lãnh đạo Cục cho hay đã thu hồi toàn bộ lô hàng vi phạm.

Đây không phải là doanh nghiệp duy nhất. Cục Kiểm tra sau thông quan còn phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ của 3 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện khác và 1 doanh nghiệp lắp ráp mặt hàng sản phẩm gỗ (giá, kệ bếp). "Qua các biên bản làm việc, doanh nghiệp đã thừa nhận hành vi vi phạm về xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu", đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết.

Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã công bố một loạt doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc nằm trong “tầm ngắm” vì có dấu hiệu gian lận xuất xứ. Theo đó, Cục Kiểm tra sau thông quan đã kiểm tra 9 doanh nghiệp và chỉ đạo 9 Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra 24 doanh nghiệp.

Những vụ việc được Tổng cục Hải quan đưa ra ánh sáng như trên cho thấy, gian lận xuất xứ đang trở thành vấn đề lớn trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang. Mặt khác, nó cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.

Thống kê về lượng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong năm vừa qua cho thấy sự gia tăng đột biến.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể: đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ 2018. Dòng vốn từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) đã vươn lên đứng hàng nhất nhì trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, điều chưa từng xảy ra trước đó. 

Năm 2016 vốn đầu tư từ Trung Quốc (chưa kể Đài Loan) vào Việt Nam chỉ 3,51 tỷ USD, năm 2017 lên 3,64 tỷ USD. Đến năm 2018 tăng lên tới 5,64 tỷ USD và tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019.

Tất nhiên, không phải luồng vốn đầu tư này vào Việt Nam là có mục đích xấu, nhưng nước chủ nhà vẫn đề cao cảnh giác trong bối cảnh địa chính trị hết sức phức tạp.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết cơ quan này đang tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc, do đây là nhóm có rủi ro cao về gian lận xuất xứ. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc “chạy” sang Việt Nam với vỏ bọc đầu tư để xuất hàng đi Mỹ nhằm “né” thuế.

Đề phòng sự bất thường của dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cảnh báo tình trạng này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương cung cấp thông tin và chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động theo dõi thường xuyên biến động của đầu tư nước ngoài (bao gồm đầu tư mới, mua bán, sáp nhập hoặc thay đổi tỷ lệ sở hữu) trong các ngành sản xuất, kinh doanh về những sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế theo khuyến cáo của Bộ Công Thương.

Mục đích là nhằm hạn chế tối đa các vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt gian lận xuất xứ thông qua hình thức đầu tư tại Việt Nam, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba.

Những cảnh báo của các cơ quan phía Việt Nam như Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… là cần thiết, để Việt Nam không bị “vạ lây” trong cuộc chiến thương mại này. Rất may, đến thời điểm này Việt Nam vẫn đang nắm thế chủ động, tích cực trong cuộc chiến chống gian lận xuất xứ.

Hồi đầu tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã được các đối tác đánh giá cao. Nhờ vậy, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường quan trọng vẫn được “chào đón”, và không ngừng mở rộng cả về giá trị lẫn sản lượng.

{keywords}
Xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt cột mốc mới, vượt 500 tỷ USD.

Nhiệm vụ này sẽ phải được tiếp tục trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Nếu lơ là, mất cảnh giác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ nằm trong tầm ngắm của Hoa Kỳ và các nước khác. Khi đó  cả nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Ngăn chặn những doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư kiểu “chộp giật”, bất kể doanh nghiệp ấy đến từ quốc gia nào, là nhiệm vụ không phải của riêng ai.

Các doanh nghiệp chân chính cũng cần đồng hành cùng các cơ quan của Chính phủ trong cuộc chiến này, bởi họ chính là “tai mắt” để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Đó cũng là cách để sản phẩm của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi những kẻ làm ăn chộp giật, “tham bát bỏ mâm”.

Lương Bằng

Cuộc đấu đằng sau kho nhôm 4,3 tỷ USD hàng Tàu đội lốt Việt đi Mỹ

Cuộc đấu đằng sau kho nhôm 4,3 tỷ USD hàng Tàu đội lốt Việt đi Mỹ

Chưa bao giờ, việc chống gian lận xuất xứ lại được Chính phủ và các bộ ngành quan tâm như hiện nay. Chủ động ngăn chặn các hành vi gian lận nên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường quan trọng vẫn được “chào đón”.