- Chuyện gì xảy ra ở một số giải thưởng nhạc Việt giúp đám đông chọn ca sĩ mà họ yêu thích nhất, nhưng người được chọn lại “dính” nhiều tai tiếng?

NGƯỜI QUAN SÁT
Quản lý văn hóa chạy đua với scandal
"Khoe thân phải mang tính... nhân văn"
Đồng tính và sự tử tế của nghệ thuật
Nụ hôn “ước lệ” vẽ chân dung văn hóa “lùn”
Nền tảng văn hoá không theo kịp sự nổi tiếng
"Đá ném ao bèo" và câu chuyện bản quyền
Nobel và bãi cát dài thơ ngây

Người ta đang nhìn thấy tình thế bối rối như vậy ở hai giải thưởng thuần âm nhạc là Zing Music Awards, Làn sóng xanh, và một giải thưởng khác có trao cho vài hạng mục âm nhạc là Mai vàng.

“Ông hoàng tai tiếng” Đàm Vĩnh Hưng đang gây khó xử cho cả ba giải thưởng âm nhạc

“Thủ phạm” gây lúng túng nhất không ai khác hơn là “ông hoàng tai tiếng” Đàm Vĩnh Hưng với sự có mặt ở cả ba giải thưởng. Với Zing, ông được nói là “tự ý rút khỏi” bảng đề cử Nghệ sĩ của năm, dù vẫn để tên ở đề cử Nam ca sĩ được yêu thích nhất.

Với Làn sóng xanh, ông có mặt trong danh sách 10 ca sĩ được yêu thích nhất nhưng ban tổ chức quyết định không trao giải cho ông. Chung “số phận” với ông còn có ca sĩ Thu Minh, năm qua bị phạt vì ăn mặc hở hang trên sân khấu; Cao Thái Sơn hát nhép và tai tiếng chuyện riêng tư.

Nhưng với Mai vàng, ban tổ chức do “tôn trọng tuyệt đối lá phiếu đề cử” nên giữ Đàm Vĩnh Hưng ở lại đề cử Ca sĩ hát nhạc nhẹ.

Như vậy, có thể thấy rõ xung đột qua lại đã xảy ra ở ba giải thưởng nhạc Việt do các đơn vị truyền thông tổ chức và lấy kết quả dựa trên bình chọn của số đông. Nếu cố gắng giữ “phẩm hạnh”, chỉ tôn vinh những ca sĩ “có hoạt động xã hội có ích cho cộng đồng và tư cách đạo đức nghề nghiệp tốt”, họ sẽ phải loại bỏ những người gây tai tiếng và vi phạm pháp luật về biểu diễn. Tức là họ phải chấp nhận không tôn trọng những người tham gia bỏ phiếu. Và ngược lại.

Không may là làng giải trí Việt trong năm qua lại không thiếu những cái tên vừa “được yêu thích” lại vừa gây ra những tai tiếng động trời, đặt ban tổ chức các giải thưởng âm nhạc giao phó kết quả cho đám đông lâm vào tình thế khó xử. Hoặc có thể nói theo một cách khác: những giá trị phổ biến nhất trong phạm vi đám đông tham gia cuộc chơi, đôi khi lại là những nhân tố khiến cộng đồng nổi giận vì sự vi phạm các giá trị chuẩn mực của xã hội.

Tình thế này còn tạo ra một khía cạnh tế nhị dành cho ban tổ chức trong mối quan hệ với đám đông bình chọn. Để bảo đảm sự tồn tại, tối đa hóa lợi nhuận từ thương vụ giải thưởng và đưa ra được bảng kết quả hàng năm thuyết phục xã hội bằng sức mạnh số đông, họ cần đám đông ở số lượng tối đa nhất mà họ có thể đạt được.

Thậm chí, khi số lượng bình chọn qua thư tay, email và tin nhắn không được như ý, một trong số những giải thưởng nói trên đã phải tổ chức thăm dò ở các trường học. Ai cũng hiểu bình chọn và thăm dò là hai chuyện khác nhau, với cách làm và nguyên tắc khác nhau, dẫn đến những kết quả khác nhau, nên không hiểu, sự nhập nhèm này xuất phát từ cố ý hay ngộ nhận?

Có lẽ không cần phải bàn cãi gì thêm, rằng: trên bước đường tiến tới một nền công nghiệp ghi âm và biểu diễn chuyên nghiệp, nhạc Việt cần những giải thưởng như những tấm lưới gạn lọc, ghi nhận và cố định các giá trị âm nhạc đã được tạo ra trong một định kỳ. Từ những giá trị được công chúng yêu thích nhất cho đến những giá trị mang tính hàn lâm, được giới chuyên môn bỏ phiếu công nhận.

Nhưng đến nay, hệ thống giải thưởng nhạc Việt gần như chỉ đi trên…một chân. Những đồng tiền thu lợi từ nhà tài trợ, từ tin nhắn bình chọn của khán giả, từ số người tăng thêm trên mạng xã hội…có lẽ là điều thực tế hơn nhiều so với chuyện đi tìm kiếm, khuyến khích và tôn vinh những sáng tạo đột phá và đỉnh cao bằng các giải thưởng hàn lâm.

Bởi làm giải thưởng thuần túy là một thương vụ, nên hệ lụy cũng đã thật rõ ràng. Rất nhiều cáo buộc ca sĩ dùng tiền, dùng “fan” thật lẫn “fan” ảo để chi phối kết quả, cho đến nay, mới chỉ gây áp lực minh bạch lên các giải thưởng, buộc họ phải công bố số lượng bình chọn do chính họ kiểm kê (?). Chưa thấy giải thưởng âm nhạc nào đủ tự trọng để…tự khai tử vì cảm thấy không hoàn thành được trách nhiệm đi tìm những giá trị đại diện, thuyết phục được xã hội ghi nhận và tôn vinh.

Minh Chánh

Quý độc giả có thể phản hồi đến cho người viết theo địa chỉ minhchanh.dang@vietnamnet.vn