F0 ngày một nhiều, doanh nghiệp lo cách trị
“10 ngày trước, chúng tôi ngồi họp bàn công việc. Có anh quản lý đứng 'chém gió' phay phay, khỏe mạnh bình thường mà về test lại thành F0. Rất may những người họp cùng đi xét nghiệm đều âm tính. Nhưng vấn đề ở đây là làm sao biết được ai F0 khi họ không hề có triệu chứng gì cả và cứ lai rai xuất hiện ?”, TGĐ Công ty Nam Thái Sơn – ông Trần Việt Anh đặt vấn đề về mối bận tâm của DN.
Ông Nguyễn Đặng Hiến – TGĐ Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) chung thắc mắc, công nhân dính Covid-19 có biểu hiện trùng hợp với cảm cúm như: mệt mỏi, sổ mũi, ho, sốt nhẹ. Làm sao để phân biệt hai trường hợp này?. Chẳng nhẽ cứ mỗi lần cảm cúm thì công nhân lại phải đi xét nghiệm ? Như vậy sẽ tốn chi phí và thời gian.
Hiện, tiêu chí hướng dẫn các DN ứng phó, thích ứng với điều kiện mới đã có rồi. Mục tiêu của DN là duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi dịch bệnh lây lan ở mức độ cao, DN có nhiều F0 thì chấp nhận đóng cửa hay sao?
Đặc biệt, ngành dệt may sử dụng rất đông lao động và nguy cơ công nhân mắc Covid-19 hàng ngày. TGĐ Việt Thắng Jean - ông Phạm Văn Việt thông tin, mỗi DN ít nhất cũng phải 5%, còn có đơn vị lên tới 30% nhân lực là F0.
Trong khi đó, Bà Phạm Thị Ngọc Hà – TGĐ Công ty San Hà lại hoài nghi về hiệu quả thực tế của việc phun xịt, khử khuẩn. Thời gian qua, đơn vị liên tục thuê công ty bên ngoài đến cửa hàng, nhà xưởng, văn phòng để phun khử khuẩn bằng hóa chất. Chi phí tốt kém nhưng không biết hiệu quả có hay không?
Một doanh nghiệp tại TP.HCM trang bị thêm vách ngăn giữa các chỗ ngồi để hạn chế lây nhiễm nếu có F0 (ảnh: Trần Chung) |
Công nhân F0 không việc gì phải nháo nhào
Giải đáp thắc mắc của hàng loạt các đơn vị sản xuất, kinh doanh bác sỹ Trương Hữu Khanh – Chuyên gia dịch tễ học TP.HCM phân tích, DN không cần suy nghĩ nặng nề việc có F0 đang lang thang trong nhà máy. Khi có F0, tất cả chỉ cần nhớ kỹ nguyên tắc luôn đeo khẩu trang tại nơi làm việc và theo dõi sức khỏe. Sau một thời gian, F0 có thể hết rồi mà cũng không ai biết.
Hiện, việc phát hiện F0 chỉ ảnh hưởng tới vấn đề tâm lý còn tỷ lệ phải hỗ trợ y tế rất thấp do đã tiêm đầy đủ vắc xin. Ngoài ra, DN có thể thiết lập 1 khu riêng. Công nhân F0 vào đó sản xuất, hết bệnh đi ra. Người này hết bệnh lại gối đầu người khác chứ không việc gì phải đóng cửa nhà máy.
Đối với việc phân biệt giữa cảm cúm và nhiễm Covid-19 thì chỉ có duy nhất phương pháp xét nghiệm. Dẫu vậy, về lâu dài, khi nào khó thở mới cần xét nghiệm, người lao động có triệu chứng rõ mới xét nghiệm để hạn chế lây lan trong nhà máy. Xét nghiệm lúc này đóng vai trò khai báo y tế, tìm thuốc kháng virus và tránh lây lan.
Doanh nghiệp tổ chức khám định kỳ, đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong "bình thường mới" |
Theo chuyên gia dịch tễ, nguyên tắc của virus là phát tán ra xung quanh môi trường F0 nói chuyện rất cao. Đặc biệt trong phòng kín, virus bay lơ lửng rớt xuống sẽ chậm. Tuy nhiên, nếu ở không gian thoáng, có thông gió, F0 từng đứng đó nói chuyện rồi đi, mình vào sau mà bỏ khẩu trang thì không vấn đề gì. Hoặc khi ngồi họp mà 2 người cùng mang khẩu trang thì xác suất lây cũng rất khó.
Về khử khuẩn, nếu F0 làm việc trong căn phòng rộng, không gian trống thì không có tác dụng mà chỉ nên khử khuẩn tại chỗ ngồi. F0 làm việc trong không gian kín, ăn uống ở đó thì mới có nguy cơ. Một số DN lâu lâu lại phun, xịt khuẩn cũng không có tác dụng gì vì càng nhiều đồ đạc thì càng khó hết, không gian kín thuốc mới có tác dụng. Hiệu quả nhất là sử dụng đèn có tia UV trong phòng, đây là cách diệt sạch virus số một.
“Xuất hiện F0 trong nhà máy, doanh nghiệp chỉ cần bình tĩnh xử lý. Không việc gì phải nháo nhào, ảnh hưởng đến sản xuất”, bác sỹ Trương Hữu Khanh khẳng định
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động trở lại với tỷ lệ khoảng trên 90%. Khó khăn lớn nhất hiện nay là một số ngành hàng chưa kết nối lại được nguồn nguyên liệu; thị trường bị thu hẹp, lao động về quê chưa trở lại làm việc; tuyển dụng lao động mới rất khó khăn, đào tạo lao động trong điều kiện tiếp tục giãn cách chưa thể thực hiện; khó khăn về vốn; chuỗi cung ứng đứt gãy … các doanh nghiệp vẫn tự thân vận động là chính.
Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, trợ cấp lao động mất việc…Còn lại chính sách về hỗ trợ vay trả lương giữ chân người lao động, chính sách về tín dụng - ngân hàng… còn khó tiếp cận.
Trần Chung
Không còn gián đoạn, chuỗi cung ứng được nối liền
Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử được các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020.