Nhiều người cũng từng đặt ra vấn đề: Những kiến thức về tích phân, đạo hàm, phương trình lượng giác, logarit... liệu có áp dụng vào công việc? Không ít người cho rằng, việc học Toán ở bậc phổ thông hiện nay đang quá nặng và thiếu tính ứng dụng.
Chia sẻ câu chuyện thực tế của mình, chị Nguyễn Thu Cúc (quê Nam Định) cho biết, ngay từ nhỏ chị đã được gia đình định hướng theo đuổi khối ngành nghệ thuật.
Tới bây giờ, khi đã tốt nghiệp đại học ra trường và đi làm 10 năm, điều ám ảnh nhất với chị Cúc khi nhắc đến quãng thời gian học phổ thông chính là việc học Toán.
Người phụ nữ này chia sẻ, chị đam mê vẽ và từ nhỏ được định hướng theo con đường nghệ thuật. Thế nhưng, khi học phổ thông, chị vẫn phải học đủ các môn. Ngoài thời gian học vẽ và học các môn xã hội để phục vụ cho việc thi đại học, nỗi kinh hoàng của chị chính là những tiết học Toán.
Chị nói: "Đến giờ ngẫm lại, tôi thấy Toán cấp 3 là môn học khá xa vời thực tế. Không chỉ tôi, rất nhiều học sinh khác cũng phải vật lộn với logarit, lượng giác hay khái niệm đạo hàm, nguyên hàm để không bị điểm trung bình".
"Hiện, khi đã trở thành một người tham gia lĩnh vực nghệ thuật thực thụ, đúng là những phép Toán ấy lại càng không giúp ích gì cho tôi.
Nếu giờ ai hỏi tôi khái niệm logarit, lượng giác, đạo hàm, nguyên hàm tôi cũng không thể nhớ. Vậy không hiểu tại sao học sinh được định hướng nghề nghiệp từ sớm như tôi lại phải chật vật vì những kiến thức sau này ra trường không ứng dụng?”, chị Cúc đặt câu hỏi.
Không chỉ chị Cúc, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm cũng phải công nhận rằng, ngay cả phép tính rất cơ bản của Toán bậc THPT là căn thức hay kiến thức hình học không gian cũng ít khi được sử dụng.
Cùng cảnh ngộ, đã tốt nghiệp chuyên ngành về Marketing và hiện đi làm được 7 năm, chị Trần Thị Mỹ Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, điều chị cảm thấy “vô bổ” nhất là suốt những năm tháng học THPT “cắm đầu” vào đạo hàm, tích phân để giữ danh hiệu học sinh giỏi môn Toán. Nhưng sau tốt nghiệp đại học và đi làm, chị Ngọc đã quên sạch các công thức môn Toán đã học bậc THPT.
“Tôi từng được bạn bè cùng lớp ngưỡng mộ vì khả năng học Toán. Ngay cả thời sinh viên, khi bạn bè đi bán hàng thuê hay làm việc ở các quán cà phê, tôi đã kiếm tiền gấp đôi họ nhờ việc luyện thi môn Toán lớp 12 cho các sĩ tử.
Thế nhưng, sau khi ra trường, bận rộn với công việc, tôi cũng bỏ luôn việc gia sư. Chỉ hơn 1 năm sau, tôi đã quên hết các kiến thức. Bây giờ nếu bảo giải bài toán về đạo hàm, tích phân tôi cũng...c hịu", chị nói.
Chị cho biết thêm: "Nhiều người cũng nói nhờ có học Toán, tôi có khả năng suy luận vấn đề một cách logic. Thế nhưng, tôi nghĩ suy luận hay logic vấn đề, cũng không cần thiết phải học đạo hàm, tích phân hay những bài toán về hình học không gian khó nhằn".
Chị thừa nhận, học sinh cấp 3 trên toàn thế giới đều học những kiến thức Toán học nhưng chương trình toán ở Việt Nam quá hàn lâm, trong khi nhiều nước trên thế giới lại thiên về toán ứng dụng để học sinh dễ nhớ hơn, có động lực hơn thay vì cho các dạng toán quá khó, giải được nhưng cũng nhanh quên.
Theo chị Ngọc, xã hội cũng vận động và thay đổi rất nhiều, thế nên hiện nay nhà trường cần chú trọng hơn nhưng nội dung về dạy kỹ năng sống hay nghiên cứu đưa nội dung toán ứng dụng vào thực tế.
Sau khi VietNamNet đăng tải bài viết Toán phổ thông quá khó, học đại học và đi làm có cần đến?, rất nhiều độc giả bày tỏ chương trình Toán bậc THPT tại Việt Nam khá nặng nề và tính ứng dụng chưa cao. Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Quý độc giả có thể gửi ý kiến về phần bình luận dưới bài viết hoặc theo địa chỉ email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn! |