“Nhà hát lớn của bất kì thủ đô nào trên thế giới cũng đều mang tính biểu tượng cho nền văn hóa nước ấy, nhìn vào nó người ta thấy được chất lượng của nền văn hóa đó.” – Nghệ sĩ piano Châu Giang, hiện đang sinh sống và làm việc tại New York (Mỹ) chia sẻ.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có chủ trương tới đây, Nhà hát lớn Hà Nội sẽ đưa những tác phẩm sân khấu chất lượng cao vào biểu diễn thường xuyên. Theo bà, những tác phẩm như thế sẽ xứng đáng để đưa vào biểu diễn?

Nghệ sĩ Châu Giang: Cứ mỗi lần đi ngang qua nhà hát lớn Hà Nội, tôi lại liên tưởng đến nhà hát nổi tiếng ở New York, nơi tôi đã từng học tập và sinh sống từ năm 1994 đến nay. Nhà hát lớn của bất kì thủ đô nào trên thế giới đều mang tính biểu tượng cho nền văn hóa nước ấy, nhìn vào nó người ta thấy được chất lượng của nền văn hóa đó ra sao.

Nhà hát lớn là trung tâm đầu não về văn hóa của một quốc gia, là khán đài để trình diễn những gì tinh tế nhất, những gì chúng ta có thể hãnh diện nhất của dân tộc để thế giới phải ngưỡng mộ, tôn trọng và thưởng thức. Vì thế, theo tôi, những chương trình đưa vào đây cần phải đặc sắc, chất lượng cao, được tuyển chọn khắt khe và nghiêm ngặt. 

Có như vậy, các nghệ sĩ và dàn nhạc nổi tiếng thế giới mới tôn trọng và khát khao được biểu diễn ở đây. Việt Nam cần tạo ra thương hiệu nhất định cho Nhà hát lớn Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh.

Chất lượng cao có thể hiểu là chương trình nghệ thuật có ngôn ngữ quốc tế, để những người không biết tiếng Việt vẫn có thể thưởng thức, như Opera nhạc kịch, nhạc giao hưởng. Ngoài ra là các chương trình mang tính đậm bản sắc dân tộc như tuồng, chèo, ca trù… Bởi vì nếu không phải là những tác phẩm phải khổ công luyện tập, chứa đựng nhiều mồ hôi nước mắt hoặc mang bản sắc văn hóa riêng, thì rất khó có thể khiến khán giả nước ngoài rung động, ngả mũ cúi chào.

{keywords}
Nghệ sĩ Châu Giang trong một buổi biểu diễn tại Carnegie Hall, NewYork.

Tôi rất hiểu điều kiện hiện nay của chúng ta còn nhiều khó khăn, nên đôi khi còn xem nhẹ chất lượng của các chương trình nghệ thuật đưa vào để có thu nhập kịp thời. Tuy nhiên nếu làm vậy, tương lai chúng ta sẽ chịu thiệt hại. 

Bà vừa nhắc đến New York, theo bà đâu là  nguyên nhân chính giúp các trung tâm biểu diễn nghệ  thuật nổi tiếng ở đây  như Lincoln Center, Carnegie Hall… luôn thu hút đông đảo khán thính giả từ Mỹ và thế giới?

Tôi nghĩ rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất của thành phố New York đạt được là đã tạo ra các chương trình nghệ thuật đặc sắc với sức hấp dẫn vô cùng lớn mà không phải ở đâu cũng có. Hàng ngày thành phố này có hàng trăm, hàng ngàn chương trình biểu diễn lớn nhỏ, từ Lincoln Center, Carnegie Hall, cho đến các show ở Broadway; rồi trong tiệc của từng gia đình thượng lưu, chưa kể ở các trường và những trung tâm biểu diễn.

Văn hoá và nghệ thuật giao thoa và hỗ trợ cho các ngành nghề khác như thời trang, giao thông, nhà hàng, vì khi đó mọi người có ý thức ăn mặc để thể hiện thời trang và văn hoá của mình.

Trình độ thưởng thức nghệ thuật cao cấp phụ thuộc rất lớn vào phông nền văn hóa của người dân ở mỗi đất nước, thành phố… Vì thế để nhà hát sáng đèn bền vững, phải chăng còn phải tạo ra sự thay đổi từ thói quen của người nghe nữa?

Khi đánh giá sự phát triển và nền văn minh của một đất nước, người ta thường dựa vào sự phát triển của văn hoá nghệ thuật, dựa vào sự hiểu biết về thưởng thức nghệ thuật, dựa vào thẩm mỹ nghệ thuật của người dân, xu hướng ưa thích và am hiểu. 

Để đạt được hình ảnh ấn tượng của một đất nước văn minh, sự phát triển văn hoá và nghệ thuật phải được trải qua một quá trình, nói đúng hơn là trải qua một thế hệ đào tạo với tầm nhìn chiến lược thông minh nhạy bén, năng động và đầy sáng tạo với qui mô lớn và đồng đều.

Nói đơn giản là các nước có truyền thống văn hoá lâu đời và cổ điển như Pháp, Ý, Anh, Áo, Nga… thì người dân có những thói quen nghe nhạc cổ điển và thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật kinh điển từ khi họ lọt lòng. Từ bé họ đã được giới thiệu và làm quen với nhạc cổ điển, nghe nhạc hàng ngày ở nhà, ở văn phòng, trên truyền hình, trên xe, siêu thị, thang máy… Bởi thế nó đã trở thành bữa ăn cho đôi tai của họ, khi thiếu vắng họ sẵn sàng đi tìm nó.

Như vậy với Việt Nam, việc đào tạo phải tiến hành với cả người biểu diễn lẫn khán giả nói riêng và người Việt nói chung, vì tất cả đều bắt đầu từ thói quen và nề nếp sống.

Sân khấu có sáng đèn đến mấy nhưng nếu không thu hút được nhiều người nghe và xem thì cũng thất bại. Theo bà làm thế nào để đông đảo được người dân đến Nhà hát lớn thưởng thức các chương trình nghệ thuật?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa là người lái “đoàn tàu” văn hóa của đất nước, do đó phải có tầm nhìn quốc tế và chiến lược lâu dài. Tiếp đến, các nhà quản lý các đoàn nghệ thuật cũng cần phải phát hiện được thế mạnh của các nghệ sĩ và là người đánh giá nghệ thuật một cách khách quan, công bằng từng nghệ sĩ, đơn vị, và trân trọng sự cống hiến của họ. 

Giới thiếu niên nhi đồng và học sinh toàn quốc nên được giới thiệu và làm quen với nhạc cổ điển từ bé. Nhiều nhà phân tích tâm lý học đã chứng minh nhạc cổ điển có tác dụng rất tốt cho sự phát triển trí óc và tư duy, mang đến cho người nghe nhiều mơ ước tốt đẹp và đặc biệt là giúp trẻ em phát triển toán học. 

Nhà hát lớn nên có sự ưu tiên cho các chương trình nhạc cổ điển của Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP. HCM và các trường cao đẳng nghệ thuật… vì những nơi này tụ hội rất nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển và dân tộc có trình độ hàng đầu của quốc gia. Đồng thời, chúng ta cũng nên mời các nghệ sĩ và dàn nhạc nổi tiếng các nước đến Việt Nam biểu diễn.

Dần dần, các chương trình âm nhạc cổ điển của ta cần có chất lượng ngang ngửa với những nơi như Carnegie Hall và Lincoln Center của New York. Họ chơi những tác phẩm giao hưởng nào thì chúng ta cũng chơi những tác phẩm tương tự. Tất nhiên, để đạt được điều này, các nghệ sĩ cần lao động cống hiến miệt mài và vất vả hơn rất nhiều. Truyền thông cũng nên tôn vinh xứng đáng những sự cống hiến đó.  

Ngoài ra, cần có một hội đồng quốc gia/quốc tế để thẩm định các chương trình có tầm cỡ quốc tế.

Tôi nghĩ rằng điều gì chúng ta cũng có thể làm được nếu quyết tâm đồng lòng và đoàn kết. Mơ ước của tôi là rồi đây Nhà hát lớn lúc nào cũng nhộn nhịp các chương trình nghệ thuật đặc sắc, những người cầm chiếc vé vào đó sẽ thấy hãnh diện và tự hào như khi vào nhà hát Carnegie. 

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ.

Lan Anh thực hiện