Tại lễ ra mắt chương trình tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên do Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức tối 9/10, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo và Bồi dưỡng, Trường ĐH Giáo dục cho hay, thực tế hiện nay, số bạn trẻ đang gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần càng ngày càng lớn và những vấn đề đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống, học tập của các em.

Theo ông Hà, nguồn áp lực phổ biến trong cuộc sống hiện đại đến từ học tập và công việc; lo lắng về tương lai; mạng xã hội và so sánh bản thân; cô đơn và thiếu kết nối xã hội thực tế.

z5913460006783_eb536f65cc1e6834f66718dceb80559b.jpg
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo và Bồi dưỡng, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ tới các sinh viên.

Trong số này, mạng xã hội và so sánh bản thân là nguồn áp lực mà rất nhiều bạn trẻ gặp phải.

“Nhưng những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, nếu chúng ta càng đắm chìm vào mạng xã hội, nỗi sợ cô đơn càng lên đỉnh điểm. Càng nhiều bạn trên Facebook, TikTok, Zalo,... sự cô đơn càng nhiều hơn. Chúng ta có thể tham gia vào những cuộc trò chuyện, bình luận, đóng góp ý kiến trên những nền tảng đó, với những người có thể chẳng bao giờ nhìn thấy mặt nhưng khi cần một người bên cạnh để chia sẻ, an ủi trực tiếp lại không có”, ông Hà nói. 

Bên cạnh đó, hiện nay, không ít thanh niên có hiện tượng sống “phông bạt”. “Lúc nào cũng phải hoành tráng, làm gì cũng phải ghê gớm như tổng giám đốc, tổng tài, đại gia...  Họ thích thể hiện điều đó, vì sao? Bởi tự ti với chính bản thân mình, cảm thấy kém cỏi so với người khác. Bởi lên mạng, ai cũng “phông bạt”, nhưng chúng ta không biết đâu là thật, đâu là giả. Chúng ta thấy họ có những bức ảnh đẹp chụp cảnh ngồi ở những nhà hàng đắt tiền, ăn chơi ở những nơi sang chảnh, đi những chiếc xe giá trị hàng chục tỷ, hay kiếm nhiều tiền... Những điều đó làm cho các em tự so sánh mình với người khác. Thậm chí sự so sánh đó bỗng làm các em trở nên đau khổ, đôi khi khiến các em sai lầm khi tìm mọi cách để được giống những người đó. Nhiều bạn trẻ ngày nay đã phải trả giá sau song sắt nhà tù chỉ vì làm rất nhiều điều chỉ để giống những ‘người giàu có ở trên mạng’”, ông Hà chia sẻ. 

Theo ông Hà, chính mạng xã hội cũng làm cho các bạn trẻ gặp phải một vấn đề tâm lý rất phổ biến hiện nay là tâm lý “sợ bỏ lỡ”. “Tức là lúc nào các em cũng cảm thấy lo sợ bị lỡ thông tin, lạc hậu so với người khác, dẫn đến tự bản thân cảm thấy căng thẳng. Cứ thế, về đến nhà hay rời bàn học là các em phải “ôm” điện thoại xem rằng có thông tin gì để tham gia vào bình luận, nói chuyện. Hội chứng sợ bỏ lỡ này làm cho các bạn trẻ luôn ở trong trạng thái phụ thuộc điện thoại và mạng xã hội”.

Những dấu hiệu cho thấy sức khỏe tinh thần đang bị ảnh hưởng gồm: mất hứng thú trong sinh hoạt và học tập; hiệu suất trong công việc, học tập suy giảm; khó hoặc mất ngủ thường xuyên,...

Do đó theo ông Hà, các bạn trẻ cần quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe tinh thần như: xây dựng thói quen ngủ lành mạnh, tập thể dục đều đặn, duy trì chế độ sinh hoạt (ăn uống, vui chơi, học tập) cân bằng,...

Đặc biệt cần quan tâm, chăm sóc giấc ngủ của chính mình. Khi đi ngủ cần tuyệt đối bỏ xa những thứ có thể gây ảnh hưởng như điện thoại, truyện,...

Các em có thể “quản lý stress” thông qua việc phát triển sở thích và đam mê, hạn chế sử dụng mạng xã hội, nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội. 

“Để cải thiện sức khỏe tâm thần, cần thực hành một số việc như: tìm kiếm hỗ trợ chuyên môn (người tin cậy để chia sẻ; trị liệu), học cách đặt mục tiêu và quản lý thời gian, giới hạn tiếp xúc với thông tin tiêu cực, thực hành lòng biết ơn,.., ông Hà nói.

z5913460317799_7ba3867300555cd891f1f2f5e8f17ebe.jpg
Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Dương Triều.

Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, thực tế cho thấy, các học sinh, sinh viên - những người trẻ đang ở vào độ tuổi thể chất sung mãn nhất lại đang phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe hơn thế hệ trước, trong đó có sức khỏe tinh thần. 

Để hỗ trợ tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho các em, Trung tâm hỗ trợ sinh viên - ĐH Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Trường ĐH Y dược và Bệnh viện ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai chương trình “Tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên”. 

Theo đó, các chuyên gia đến từ 2 bệnh viện này sẽ tư vấn miễn phí cho học sinh, sinh viên thông qua số hotline và trực tiếp tại bệnh viện.

Cùng đó, cung cấp ưu đãi trong công tác khám, chữa bệnh đối với các dịch vụ ngoài Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên.

Chương trình cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức, kiến thức, thái độ, hiểu biết và kỹ năng thực hành tự chăm sóc sức khỏe của học sinh, sinh viên; kịp thời phát hiện, giải đáp, đưa ra lời khuyên, hỗ trợ khám, chữa bệnh, giúp tăng cường sức khỏe toàn diện cho các em.